TP - Angelo Pitruzziella trẻ hơn rất, rất nhiều cái tuổi 74 của ông. Người đàn ông thấp đậm và có nụ cười rất tươi tỉnh và hơi láu cá ấy thực chất là một gã thanh niên tuổi 20 ẩn bên trong vóc dáng của một ông già. Bởi Angelo rất khỏe, rất hăng hái, mạnh mẽ và tình yêu bóng đá một cách điên cuồng của ông đôi khi khiến tôi ngạc nhiên.
Ngồi trên xe với Angelo phóng trên các con phố của Roma có thể là một cách để cảm nhận được phim “Fast and Furious”. Ông lách bên này, lạng bên kia, chèn xe của một phụ nữ đi chậm và thậm chí quay sang văng vài từ không đẹp lắm, rồi bóp còi một xe khác đang nhăm nhe lấn làn ông. Cái logo gắn trên xe của đội Lazio mà ông yêu từ tấm bé cứ lúc la lúc lắc như chiếc xe đang trong tâm bão. Thế rồi ông bật điện thoại, nháy nháy mắt với tôi và thì thầm nói, trong khi điện thoại đang kết nối: “Tôi sẽ lên sóng radio trực tiếp đấy, của đội Lazio”. Đấy là kênh phát thanh 24/24 giờ của Lazio, một trong hai đội bóng của thủ đô Roma. Sóng được kết nối, và ông bắt đầu nói trong vài phút liên quan đến bản thân ông, đến giao thông ở Roma, và đương nhiên, những nhận xét về CLB trong tim ông.
Gần như ngày nào cũng thế, dù ở nhà, trong quán cà-phê quen mà ông và tôi hay tán phét trong đó - đương nhiên là một “hang ổ” của các laziale (cổ động viên Lazio), hay trên ô-tô, như có vài lần tôi cũng đi cùng với ông, là những cuộc điện thoại trực tiếp trên radio Lazio. Các tifosi thích nghe ông nói, nghe ông đọc những bài thơ bằng thổ ngữ Roma để diễn tả tình yêu điên cuồng với bóng đá, vốn đã trở thành một lẽ sống không chỉ với riêng ông mà còn hàng triệu người Italia khác. Có sống bên họ, cà-phê với họ, nói chuyện cùng họ, thậm chí tranh cãi về đủ mọi chuyện cuộc đời với họ, mới hiểu rằng, họ đam mê bóng đá đến mức nào. Ở đâu đó rất xa nước Ý, người ta vẫn đọc, xem và do đó nghĩ rằng, khi “calcio” (bóng đá Ý) suy thoái về tài chính và ảnh hưởng với công chúng, khi những khán đài trở nên cũ kĩ và trống vắng hơn, khi bạo lực ngoài sân cỏ luôn là một nỗi ám ảnh thường trực, những người yêu bóng đá sẽ bỏ đi, quay lưng lại với bóng đá và không còn yêu nữa. Trong những hành trình tôi đã dọc ngang nước Ý trong bao năm qua, tôi thấy điều ngược lại. Những người như Angelo chỉ là một ví dụ tiêu biểu cho tình yêu không bao giờ chết ấy. Tôi đã nhìn thấy những đứa trẻ ngậm vú giả in màu cờ của một đội bóng địa phương, đã thấy những đám đông cuồng nhiệt trước và sau những trận đấu lớn, đã thấy Roma và Milan trở nên ngột ngạt trước những trận derby, đã thấy những gương mặt đau khổ, thất vọng hoặc hạnh phúc sau mỗi thắng lợi và thất bại.
Angelo đưa tôi đến những party của hội cổ động viên Lazio mà ông là một thành viên. Những party của họ được tổ chức ở trang trại của một laziale cuồng nhiệt và điên rồ nhất tôi đã từng thấy, một người có tên Ottavio. Một chuyến đi ra ngoại ô Roma, sau khoảng 60 km là đến nơi mà họ tụ tập, thường là vào tối muộn của một ngày cuối tuần nào đó mỗi tháng. Cánh cổ động viên ấy chừng 30 người, hầu hết là trung niên. Tất cả tụ tập trước các bàn ăn, ăn những thứ mà Ottavio và một người em họ của anh nấu, uống rượu vang vùng đất của họ và rồi cuối cùng, một cựu cầu thủ của đội Lazio đã vô địch Serie A năm 1974 đứng lên kể một câu chuyện nào đó về Lazio. Tất cả lắng nghe lấy từng lời. Thỉnh thoảng cũng có các nghệ sĩ là laziale góp mặt. Tôi từng có vinh dự được ngồi cùng với ca sĩ-nhạc sĩ Toni Malco, người sáng tác bài hát chính thức của Lazio. Ông hát bài đó với sự say mê và ông nói chuyện với tôi như thể ông muốn tôi cũng trở thành một laziale như mình. Chợt nhớ đến một bài hát chính thức cũ của Lazio tôi đã từng nghe ở quảng trường Popolo, trung tâm Roma, vào cái ngày mà hàng nghìn laziale đã có mặt để chào lần cuối nhạc sĩ Aldo Donati, tác giả của bài hát đó. Cả một góc quảng trường rợp màu cờ trắng-xanh của Lazio. Đám tang của một nhạc sĩ đã trở thành một dịp quan trọng để người ta thể hiện tình yêu của họ với một đội bóng. Mà những đám tang gắn liền với bóng đá như thế ở Ý rất nhiều. Một chiếc quan tài màu đỏ-đen cho milanista (cổ động viên Milan), một lá cờ trắng-đen phủ lên quan tài của juventino (cổ động viên Juve), những bài hát chính thức của CLB được ai đó hát lên trong đám tang của cổ động viên đội ấy. Nhiều lắm, những ví dụ.
Tôi sẽ không bao giờ quên một trận đấu ở giải nghiệp dư của xứ Abruzzo. Ở cái sân bóng cũ kĩ lơ thơ cỏ với khán đài cũ rích ở Pescara ấy, tôi đã thấy thứ bóng đá đẹp nhất dưới nắng một chiều tháng 4. Hai đội bóng làng đã chơi một trận đấu tuyệt vời trước sự cổ vũ của hàng trăm khán giả. Không ai trong số các cầu thủ là ngôi sao. Trên khán đài cũng không có các VIP. Ở góc sân không hề có camera truyền hình. Trận đấu không bán vé, lèo tèo vài biển quảng cáo, nhưng cái đẹp của bóng đá không hiện ra trên sự tiêu điều của một vùng nghèo và ít được biết đến trên bản đồ bóng đá Italia ấy, mà lấp lánh trên mặt của các khán giả, trong tiếng reo hò của họ, nhiều trong số đó đã già và rất giống Angelo và Ottavio ở cách thể hiện niềm đam mê. Niềm vui lớn lao, tiếng hò hét đến lạc giọng ấy cũng có thể thấy hàng tuần trên sân bóng tại trung tâm thể thao gần nhà tôi ở Roma, thuộc một vùng ngoại ô của thành phố. Đấy là sân bóng của đội thiếu niên. Những khán đài bằng gỗ ọp ẹp, những cổng sắt đã han gỉ, khán giả là cha mẹ của những đứa trẻ đang chơi trên sân, trong giải vô địch cấp vùng. Báo chí từng viết rằng, có những trận đấu ở vùng này bị gián đoạn chỉ vì các bậc cha mẹ lao vào đánh nhau do cổ vũ các con họ quá trớn. Ở cái sân nhỏ này thì không thế. Chưa có cuộc cãi nhau nào được ghi nhận, ngoài việc thỉnh thoảng các bậc cha mẹ nhảy nhót như một lũ điên sau bàn thắng, khiến các chỗ ngồi bằng gỗ rung lên như sắp gẫy và những chú chó họ dắt theo lên khán đài sủa vang. Ở một góc khác của khán đài, nơi cha mẹ của các cầu thủ đội khách ngồi, phấp phới một băng-rôn ghi: “Dù tỉ số thế nào chăng nữa, bố mẹ luôn bên các con”.
Một người bán pizza trang trí cửa hàng mình bằng các họa báo liên quan đến đội AS Roma mà ông yêu mến. Ảnh: Anh Ngọc
Angelo và những người bạn của ông đã giúp tôi hiểu, tình yêu bóng đá của họ là gì. Bản thân tôi cũng có một tình yêu calcio như thế. Và tình yêu đã theo tôi bao nhiêu năm qua ấy chính là câu cầu đưa tôi đến nước Ý, biến nơi ấy thành quê hương thứ hai của mình.
Đăng nhận xét