TP - Ðã không còn những thắc mắc hồ nghi về việc vùng đất nghèo Bắc miền Trung khí hậu khắc nghiệt, mùa hè gió Tây Nam nóng như đổ lửa, làm sao có thể thích hợp với việc nuôi bò sữa, nhất là giống bò nhập từ các nước xứ lạnh châu Mỹ, châu Âu.
Thực tế cho thấy, đại dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao” của Tập đoàn TH (thương hiệu TH True Milk) triển khai bước đầu đã thổi luồng sinh khí mạnh mẽ, khoác lên nơi này tấm áo mới đẹp tươi, quyến rũ, không chỉ về chăn nuôi, thực phẩm, mà còn mở ra cơ hội thu hút đông đảo du khách tới tìm hiểu, tham quan vùng đất này.
Tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, dự kiến thời gian hoàn thành dự án vào năm 2020 với quy mô nuôi đến gần 203.000 con bò sữa, TH True Milk đã huy động cả nguồn nhân tài, vật lực khổng lồ để thúc đẩy dự án phát triển không ngừng. Hiện tại, dự án đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với diện tích đất được giao 8.100 ha (trên tổng diện tích dự kiến 37.000 ha). Trên dải đất bao la đó, Tập đoàn TH đang áp dụng công nghệ hiện đại của thế giới vào chăn nuôi tập trung hơn 45 nghìn con bò với quy trình sản xuất khép kín “từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch”.
Nhóm phóng viên chúng tôi đã tận thấy các cánh đồng lớn, nơi trang trại TH đang trồng các giống cỏ Mulanto II, Ghi nê Mombasa, cao lương, ngô... để tạo nguồn thức ăn cho bò sữa. Nhưng ấn tượng hơn cả, vẫn là vẻ đẹp rực rỡ ngút ngàn khi cánh đồng hoa hướng dương nở rộ.
Trên cả dải đất hình chữ S nước ta, xưa nay chưa từng có đồng hoa rực rỡ thuần giống nào liền khoảnh rộng hơn cả trăm hecta, bát ngát không thấy đâu là bến bờ như thế. Vậy nên, chỉ sau vài vụ hoa đầu, danh tiếng của cánh đồng hoa hướng dương xứ Nghệ đã làm nức lòng du khách, với vô số ảnh tuyệt đẹp lan tràn trên internet. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An nhanh chóng nắm bắt cơ hội, biến vụ mùa sản xuất cao lương mỹ vị cho bò sữa của TH True Milk thành “Ngày hội hoa hướng dương”, làm điểm nhấn cho Lễ hội “Sắc xuân miền Tây” với mục đích xúc tiến thương mại, du lịch cho cả vùng. Ai cũng tranh thủ chụp ảnh lưu niệm với cánh đồng hoa đẹp hơn tranh vẽ, vì chẳng bao lâu sau đó, cả cánh đồng hoa vàng rực lộng lẫy này sẽ được những cỗ xe cơ giới xén sát gốc, xay nhỏ, phối trộn với nhiều loại phụ gia và ủ chua để ... làm thức ăn cho bò!
Anh Tuệ được gọi là anh Hồ Giáo thời hiện đại của TH True Milk
Theo tiếng gọi của ... bò sữa
Ðiểm nhấn ấn tượng nhất ở trang trại TH- với chúng tôi- đó chính là trại bò organic. Bước vào cổng trang trại khử trùng bằng vôi bột trắng xóa, một chàng dáng vẻ thư sinh nghe tôi cười chào, ngỡ ngàng kêu lên: “Khách miền Nam. Lâu rồi em chưa được nghe tiếng vùng trong đó!”.
Chàng thư sinh đó là Trần Ðình Tuệ, quê Trà Vinh, từng học về chăn nuôi bò sữa tại Israel. Tình yêu bò của Tuệ làm tôi liên tưởng tới Anh hùng lao động Hồ Giáo- người chăn bò nổi tiếng ở đồng cỏ Ba Vì (Hà Nội) thời bao cấp xưa. Tuệ đang là “tổng quản” trại bò sữa hữu cơ của Tập đoàn TH với 500 cô bò organic đầu tiên. Tuệ kể, ra trường, anh đang làm việc ở Ðồng Nai, chỉ vì nghe câu nói của “sếp” Thái Hương (Chủ tịch Tập đoàn TH) về khát vọng “đem đến cho trẻ em Việt Nam và người tiêu dùng một ly sữa tốt nhất ” mà Tuệ ra vùng Tây Nghệ An này đầu quân. Thấm thoắt đã 6 năm, Tuệ độc thân, gắn bó với đàn bò. Tuệ thú nhận: “Em rất yêu bò! Người ta thường bảo ngu như bò! Nhưng có hiểu bò mới biết nó cũng rất khôn, phân biệt được ai là người vô hại, có thể gần gũi”.
Trò chuyện với anh Tuệ, chúng tôi bất ngờ biết cách khử khuẩn ở trại bò organic này. Thay vì xịt hóa chất diệt ruồi muỗi như những nơi khác, ở đây chỉ dùng tỏi đập giập ngâm trong 20 lít nước ấm, chắt lấy nước để phun. Các giống cỏ và ngô trồng cho bò ăn tuyệt đối không chăm bón bằng hóa chất đã đành mà ngay cả đất để trồng cỏ ấy cũng bắt buộc trong vòng hơn 3 năm hoàn toàn không sử dụng các loại hóa chất để xử lý đất hay diệt côn trùng. Tiêu chuẩn EU về kháng sinh cho phép mỗi năm dùng tối đa 3 lần thuốc kháng sinh cho bò nhưng TH quyết tâm tuyệt đối không sử dụng kháng sinh, mà chỉ dùng thảo dược như gừng, tỏi, ngải cứu, châm cứu ...Quan sát toàn trại, tôi tò mò: “Vì sao ở đây không con bò nào có sừng?”. Anh Tuệ cầm một chỏm lông nhô ra trên đầu con bò, giải thích: “Chỗ này trước đây là cái gốc sừng. Bò nuôi ở đây cần khử sừng từ khi còn nhỏ để không húc nhau. Mới đẻ khoảng 1 tuần tuổi, các bê nhỏ được bôi thuốc để rụng sừng. Con nào khử sừng không đạt, chân sừng sẽ vẫn nhú ra một đoạn ngắn. Con đạt yêu cầu, 2 gốc sừng cũ đều biến thành xoáy lông tròn đáng yêu”.
Cùng anh Tuệ ra đồng cỏ, nơi nửa đàn bò đã vắt sữa xong được tung tăng dạo chơi, chọn ăn cỏ non tươi suốt 4 tiếng trước khi trở lại chuồng. Tôi hỏi anh về những vết xanh trên bầu vú đồ sộ của những cô bò to lớn. À, khi vắt sữa, cơ vòng đầu vú bò mở ra để tiết sữa, khoảng 30 phút sau mới đóng lại. Trong khoảng thời gian cơ vòng còn hở, cần dùng dung dịch màu xanh này phết lên tạo màng bảo vệ vú bò để vi khuẩn khỏi xâm nhập, dễ khiến bò bị ốm...
Ðó là những chi tiết nhỏ được chăm chút tại trại bò hữu cơ, hướng tới “mục tiêu lớn” là có những sản phẩm chất lượng quốc tế. Ðược biết, những ngày cuối năm 2016, trang trại bò sữa organic của TH true Milk đã hoàn thiện các khâu cuối cùng cho cả chuỗi sản xuất, từ trang trại tới nhà máy và cả khâu phân phối về việc thực hiện bộ tiêu chuẩn hữu cơ là EC 834-2007 và EC 889-2008; tiếp đó là chuẩn Mỹ USDA-NOP, biến cam kết của bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn thành hiện thực: TH là trang trại đầu tiên tại Việt Nam sản xuất sữa organic theo các tiêu chuẩn quốc tế!
Nguyễn Tiến Thịnh, phóng viên hãng tin Reuter chăm chú quay rất nhiều cảnh vật của trang trại bò organic. Anh nói: Sản xuất thực phẩm sạch theo công nghệ hiện đại đang là xu hướng nhân văn tất yếu, nên những gì tập đoàn TH True Milk phấn đấu vươn tới, và đã đạt được, cũng chính là những vấn đề hãng tin quan tâm. Reuter sẽ giới thiệu trang trại bò organic đầu tiên ở Việt Nam này đến đông đảo khán thính giả của hãng.
Đăng nhận xét