TP - Họ những người lính từng gắn bó, sống chết vì Gạc Ma - Trường Sa thân yêu. Giữa muôn vàn khó khăn, tất bật của cuộc sống vẫn luôn nghĩ về nhau, về đồng đội đã hy sinh bằng một tình cảm thiêng liêng. Thời gian bôi xóa, nhưng tình người lính Trường Sa như hoa sóng vẫn dâng lên dạt dào...

Những cựu binh Trường Sa nhiều thế hệ cùng ngồi bên mô hình cột mốc chủ quyền do anh Trần Văn Xuất làm ngay tại nhà mình. Ảnh Nguyễn Thành.Những cựu binh Trường Sa nhiều thế hệ cùng ngồi bên mô hình cột mốc chủ quyền do anh Trần Văn Xuất làm ngay tại nhà mình. Ảnh Nguyễn Thành.

1. Nhớ mãi câu nói của ông Ðặng Công Ngữ - nguyên chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, tại buổi gặp mặt 8 cựu binh Gạc Ma để tiếp sức cho người đồng đội Dương Văn Dũng đang bị ung thư, rằng: “Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc gặp mặt nhưng hiếm có cuộc gặp mặt nào cảm động và ý nghĩa như vậy. Ðây sẽ là sự kết nối lâu dài  cho những con người vì Gạc Ma và nhắc nhớ chúng ta về một phần chủ quyền đang bị xâm chiếm”.

Cuộc gặp mặt chiều hôm đó (19/11) ngay tại Bệnh viện Ung bướu Ðà Nẵng chỉ có nước mắt lăn chậm trên những nụ cười chân chất và những cái bắt tay vỗ vai của những người đàn ông can trường trải qua sóng gió, trận mạc. Chín người lính năm xưa sau trận hải chiến Gạc Ma sống sót bị Trung Quốc bắt tù đày. Hơn 3 năm sau họ mới được trả về, nay chỉ còn 8. Anh Dũng đang đối diện với bệnh hiểm, sự sống chỉ còn mong manh. Nghe tin, như một mệnh lệnh, tất cả đồng đội lập tức vượt đường xa, có mặt.

Từ giường bệnh, sau đợt hóa trị kéo dài cựu binh Dũng gầy yếu, kiệt quệ, bất ngờ trước sự xuất hiện của đồng đội. Anh Trương Văn Hiền, người ở cùng phòng với anh Dũng suốt thời gian tù, tâm sự: “Chúng tôi may mắn sống sót trở về nhưng vẫn còn đó 64 đồng đội mãi nằm lại với Gạc Ma. Mỗi lần nhắc đến Gạc Ma là tim như xát muối. Với chúng tôi, tình đồng đội vào sinh ra tử  là thứ thiêng liêng nhất trên đời”.

Cựu binh Phạm Văn Nhân (Nam Ðịnh) dáng người khắc khổ của một lão nông, áo sờn vai, chân đi đôi dép tông Lào mới cứng. Anh thật thà bảo: “Dép vợ mua cho để vào Ðà Nẵng thăm bạn”. Anh có mặt muộn nhất vì ở xa và rồi tất tả về lại sớm nhất vì việc đồng áng không người quán xuyến. Năm xưa chính anh Nhân là người với sự giúp đỡ của đồng đội đã liều mình vượt ngục 2 lần để tìm đường về nước cứu anh em nhưng bất thành. Người bạn chiến đấu, tù đày cùng phòng Trần Thiện Phụng (quê Ðông Hà, Quảng Trị) nói với tôi rằng: trong số các anh em, Nhân là người sống nặng tình nhất. Gia đình khó khăn mấy, anh em gặp mặt Nhân cũng đều có mặt, không sót. Anh Phụng vẫn thường nhận được điện thoại của Nhân lúc nửa đêm, nhiều khi giọng đã chuếnh choáng say. Bao nhiêu buồn vui khó khăn cuộc sống thường ngày, chuyện gia đình, vợ con Nhân trải lòng hết cùng đồng đội để được sẻ chia, giải tỏa.

Người Gạc Ma ảnh 1Cựu binh Trần Văn Xuất và tờ báo Phú Khánh ra ngày 29/3/1988 nói về sự thật ở Trường Sa trong trận hải chiến Gạc Ma.

2. Cựu binh Trần Văn Xuất, nay là chủ một cơ sở đồ mỹ nghệ tại Non Nước (Ngũ Hành Sơn, Ðà Nẵng). Hơn 30 năm trước anh là lính đảo đóng quân ở Trường Sa Ðông. Xuất ngũ, từ hai bàn tay trắng, trải qua nhiều sóng gió cuộc đời và thương trường nghiệt ngã anh mới gầy dựng được cơ ngơi ngày hôm nay. Trường Sa nơi một thời anh gắn bó và lưu giữ quãng đời tuổi trẻ luôn đau đáu trong anh. Cột mốc chủ quyền anh dựng ngay trong khuôn viên nhà mình, hướng ra biển Ðông để người dân, du khách và học sinh đến tham quan là tâm huyết, tình yêu anh gửi trọn về Trường Sa.

Căn nhà anh Xuất có một phòng rất đặc biệt, anh gọi đó là “Bảo tàng Trường Sa” của riêng mình. Ở đó bên cạnh những bằng khen, là những bức ảnh đồng đội, những kỷ vật thiêng liêng của một thời làm lính đảo. Số báo ra ngày 29/3/1988 của tỉnh Phú Khánh (cũ) được lưu giữ kỹ càng bởi số báo có bài “Sự thật ở Trường Sa - cuộc tiến công bằng tàu khu trục tên lửa của Trung Quốc vào ba tàu vận tải không có vũ khí tiến công của ta ở vùng đảo Sinh Tồn”. Anh bảo đây là một trong những bài báo ngày đó nói về sự thật trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 cần phải gìn giữ để thế hệ sau biết về sự hi sinh của đồng đội vì chủ quyền thiêng liêng.

Nặng tình với Trường Sa, từ năm 2005 đến nay, anh Xuất đã lặn lội từ Bắc chí Nam và tìm gặp được 25 đồng đội cũ. Trường hợp đồng đội nào khó khăn, anh Xuất cũng đứng ra giúp và kêu gọi mọi người cùng giúp đỡ. “Tính nết lính Trường Sa bao giờ cũng đẹp. Ai qua rồi mới biết nó ý nghĩa như thế nào” anh Xuất chia sẻ.

Cơ ngơi, tài sản, tiền bạc với anh giờ không thiếu. Cậu con trai đầu, học xong anh Xuất đủ sức cho đi du học nước ngoài. Thế nhưng anh lại hướng con mình đi lính, mà phải là phải lính đảo Trường Sa. Chờ con xong nghĩa vụ, tôi luyện ở Trường Sa rồi mới tính tiếp. Nghe lời cha, con anh tiếp bước, nay đã xuất ngũ và có công ăn việc làm ổn định. Quan trọng hơn, chàng trai rèn được mình, thêm ý chí để bươn chải ở trường đời “Phải để sóng gió Trường Sa rèn giũa để mai này vào đời thêm tự tin. Cho con làm lính đảo là để hiểu được nỗi khổ sự hi sinh xương máu cha ông bao đời gìn giữ biên cương, để con biết thêm tình lính đảo ý nghĩa thế nào” anh Xuất tâm sự.

Người Gạc Ma ảnh 2Cựu binh Trần Văn Tiến lên lớp dạy nghề cho học viên tại cơ sở đào tạo nghề của mình. Ảnh: Nguyễn Thành.

3. Năm 1988, sau trận hải chiến Gạc Ma, chàng trai trẻ 17 tuổi, Trần Văn Tiến (xã An Lư, Thủy Nguyên, Hải Phòng) viết đơn tình nguyện xin đi lính, tham gia chiến dịch CQ88. Anh được đứng vào hàng ngũ hải quân trong vai trò lính thông tin tại đơn vị công binh E83 phục vụ chiến dịch. Năm 1990 xuất ngũ, anh về lại quê học trung cấp nghề sửa chữa tàu biển và trở thành thợ máy tại một công ty vận tải biển quốc tế. Bốn năm sau, anh vào lại Ðà Nẵng đi làm cho một số chủ tàu khai thác hàng hóa, giám sát đóng tàu cho một số đơn vị nhưng thu nhập không ổn định. Với chất lính trong mình, anh luôn tâm niệm phải làm gì đó có ích cho xã hội và tạo thu nhập cho bản thân. 

“Tôi còn tâm niệm và ước mơ, dịp 30 năm hải chiến Gạc Ma sắp tới sẽ đi hết 64 gia đình các liệt sĩ để làm lại di ảnh cho tất cả các anh, những đồng đội đi trước ngã xuống vì Trường Sa thân yêu, để sự hy sinh của các anh được vinh danh xứng đáng”. 

Anh Trần Văn Tiến

Trải qua nhiều vị trí, công việc, năm 2006 khi có kinh nghiệm và mối quan hệ anh đứng ra thành lập Công ty TNHH kỹ thuật và dịch vụ hàng hải Nguyên Tiến của riêng mình với nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, siêu âm kết cấu thân tàu… để đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị trên biển. Công ty của anh được Cục Ðăng kiểm Việt Nam và Pháp cấp chứng chỉ công nhận năng lực cung cấp dịch vụ bảo trì bảo dưỡng thiết bị cứu sinh cứu nạn… Ngoài các tàu trong nước, nhiều tàu nước ngoài tìm đến Cty anh kiểm định.

Có được cơ ngơi, anh vẫn đau đáu về Trường Sa và đồng đội. Năm 2016, được sự đồng ý của UBND Ðà Nẵng và Sở GTVT, Cty anh được liên kết đào tạo nhân lực thuyền viên, quản lý điều khiển phương tiện thủy nội địa. Ðây là cơ sở đào tạo nghề thuyền viên đầu tiên sau 40 năm giải phóng được chính quyền Ðà Nẵng công nhận, giúp anh thỏa ước nguyện lâu nay. Ðến nay cơ sở đã đào tạo và cấp chứng chỉ cho 86 học viên trong đó nhiều người là lính hải quân xuất ngũ. Lính xuất ngũ được anh miễn giảm học phí, và giới thiệu việc làm sau khi hoàn thành khóa học.

Người Gạc Ma ảnh 3Cựu binh Trần Văn Tiến giới thiệu những chứng nhận do cơ quan đăng kiểm Việt Nam và Pháp cấp cho công ty của mình. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ít tai biết, chính anh Tiến là người âm thầm đi “thay áo” cho 9 liệt sĩ Gạc Ma ở Ðà Nẵng. Anh Tiến kể rằng: Mỗi lần đến dịp lễ tết, ngày 14/3 hàng năm anh và đồng đội đều đến nhà 9 liệt sĩ ở Ðà Nẵng để thắp hương, tổ chức lễ thả vòng hoa tưởng nhớ. Có nhiều gia đình, bàn thờ nhiều người, nhìn vào người ngoài khó biết được ai là liệt sĩ Gạc Ma. Ðiều tưởng chừng như nhỏ nhặt này, khiến anh day dứt, để rồi năm 2013, anh đi xin phép từng gia đình để được phép làm lại di ảnh, để các anh khoác lên mình chiếc áo lính Hải quân. Việc làm nhỏ của anh làm ấm lòng thân nhân những gia đình có con em ngã xuống vì Gạc Ma, vì Trường Sa thân yêu. 

“Bản thân mình là lính, nên hiểu được khó khăn của người lính sau khi xuất ngũ. Mình chỉ muốn giúp anh em, đồng đội  thế hệ sau mình có được việc làm ổn định, góp sức mình dựng xây quê hương”, anh Tiến tâm sự. Kỹ sư Hồ Ðình Hiệp tốt nghiệp ÐH bách khoa Ðà Nẵng, hiện đang công tác tại công ty từng là lính hải quân. Ra trường, đi nhiều nơi không xin được việc, được anh Tiến nhận về, gửi đi đào tạo đến nay là một trong những nhân viên chủ chốt.

Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.