TPO - Từ xa xưa đến nay, người dân tộc Cơ Tu sống dọc dãy Trường Sơn hùng vỹ luôn coi gà là loài vật linh thiêng, không thể thiếu trong các nghi lễ truyền thống. Gà trong tín ngưỡng và văn hóa của người Cơ Tu nhờ đó chứa đựng nhiều điều ly kỳ và hấp dẫn.
Người dân tộc Cơ Tu ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) vẫn lưu giữ trong mình những nét văn hóa truyền thống của ông cha. Là loại vật gần gũi, người Cơ Tu cho rằng: Atứch (gà) là loại động vật có vẻ đẹp từ màu lông đến đầu, mào, đôi chân, cặp mắt.
Vì đẹp nên họ cũng quan niệm thần linh cũng rất thích và nhập vào gà đó để giúp đỡ dân làng. Bởi thế trong các lễ hội như Tắc T’rí (đâm trâu), Cha haroo t’mêê (ăn lúa mới), Đông t’mêê (nhà mới)…gà đều xuất hiện và là lễ vật quan trọng không thể không có.
Gà trong tín ngưỡng tâm linh thể hiện rõ nhất ngay công làng và nhà Gươl của người Cơ Tu. Già làng Briu Pố, thôn A Rớt, xã Lăng (Tây Giang) kể rằng: từ xa xưa, sống giữa núi rừng âm u, người dân tộc Cơ Tu rất yêu mến và dành sự tốn kính cho gà, đặc biệt là gà trống.
Bởi gà trống ngoài vẻ đẹp thẩm mỹ, còn là loài vật biết phân biệt được ngày và đêm, sáng và tối, biết gáy gọi dân làng, gọi mặt trời xua tan lạnh giá. Dân làng tin rằng thần linh, con ma nhập vào gà trống là thần linh, con ma tốt luôn giúp đỡ dân làng.
Khi dựng Gươl hay cổng làng, người dân đều tạc tượng gà và đặt ở vị trí cao nhất để bày tỏ sự kính trọng, biết ơn. Đồng thời thể hiện ước mơ vươn cao, vươn xa, cuộc sống ngày càng ấm no của dân làng mình.
Lễ đâm trâu là lễ hội văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người dân Cơ Tu đến vẫn còn gìn giữ. Trong nghi lễ đâm trâu, gà là loài vật không thể thiếu. Trước khi thực hiện nghi lễ này, người dân cắt tiết gà hòa với rượu để cúng thần linh, xin phép được đâm trâu để cúng thần linh.
Khi trâu chết, người dân mang gà đến chia phần cho trâu với ý nghĩa để thay lời cảm ơn trâu đã chết vì dân làng. Một nghi lễ không thể thiếu và diễn ra sau cùng trong lễ đâm trâu của người Cơ Tu là nghi lễ tung gà lên cây Nêu dùng đề cột trâu.
Già làng Pố cho biết: Cây Nêu là nơi thần linh trú ngự. Nếu gà tung lên, nằm gọn trong đỉnh Nêu là điểm tốt và may mắn cho dân làng. Còn ngược lại là điềm xấu, thần linh đang nhắc nhở, quở trách dân làng. Dân làng có trách nhiệm phải soi xét lại chính mình, xem mình và dân làng có làm điều gì say trái khiến thần linh phật ý, buồn lòng. Từ đó, họ răn đe nhau sống tốt hơn, chăm chỉ hơn.
Dù xây dựng theo kiểu mới, nhưng cổng làng người dân tộc Cơ Tu không thể thiếu gà.
Ví như giữa 2 gia đình, 2 anh em, hàng xóm thậm chí 2 ngôi làng có việc dẫn đến tranh cãi, to tiếng dân làng sẽ thực hiện nghi lễ chặt đầu gà để phân định đúng sai. Gà sau khi được cúng thần linh sẽ được mang ra chặt đầu, nếu đầu gà rơi phía nào thì bên đó đúng.
Nhờ đó mà mâu thuẫn được hóa giải, không ai dám gây gỗ với nhau nữa. Theo ông Liếc đây là hủ tục, nay đã được xóa bỏ. Tuy nhiên, từ đó có thể thấy, trong tâm linh của người Cơ Tu gà quan trọng thế nào.
Đám cưới của người Cơ Tu từ xa xưa tục lễ quy định việc nhà gái chỉ được phép mang động vật 2 chân (gà, vịt, cá, chim…) mang qua nhà trai, nhà trai chỉ được phép mang động vật 4 chân (trâu, bò, lợn…) qua nhà gái.
Tục lễ này khác với các dân tộc khác ở chỗ nó mang tính rằng buộc. Trong đó, gà là lễ vật không thể thiếu và thay thế. Ngay trong lễ cưới, trước đây người dân Cơ Tu vẫn thường thực hiện việc xem bói gà. Cách xem bói gà cũng hết sức độc đáo.
Có một nghi lễ mang tính tập tục khá độc đáo mà người dân tộc Cơ Tu ngày nay vẫn còn lưu giữ là việc xem đất bằng trứng gà. Khi người dân muốn chọn một vùng đất tốt, xem đất để dời làng hay làm nương rẫy, họ thường mang theo một quả trứng gà.
Trứng gà lúc này được phân định làm hai, với ý nghĩa một bên tượng trưng là người dân, một bên là thần linh. Khi đến vùng đất có ý định mở làng, mở rẫy người dân sẽ đập bể một phần phía trên quả trứng, rồi đặt lên một chiếc giá đỡ đơn sơ.
Sau khi khấn bái, xin phép thần linh chứng dám, người dân sẽ nung nóng phía dưới đến khi nào quả trứng sôi. Nếu trứng sôi, trào ra về phía thần linh nghĩa là thần linh cho phép. Con ngược lại, trứng sôi trào về phía người dân đồng nghĩa việc thần linh chối từ, nếu người dân đụng đến vùng đất đó sẽ bị phạt, đền tội, là điềm xấu.
Ông Briu Liếc cho biết: tục xem đất của người Cơ Tu bằng trứng gà vẫn còn và người dân tin rằng, việc thần linh không cho phép cũng đồng nghĩa với việc đó là vùng đất, cánh rừng linh thiêng cần bảo vệ.
Cánh rừng Pơ Mu của huyện Tây Giang vừa được công nhận rừng cây di sản với nhiều cây cổ thụ quý hiếm được dân làng thay nhau bảo vệ, giữ gìn cũng một phần xuất phát từ tục xem đất ly kỳ bằng trứng này.
Đăng nhận xét