TP - Khi nước nhà còn chưa thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt lòng tin và phát huy những nguồn lực trong dân để đặt nền móng ban đầu trong việc xây dựng một đất nước độc lập. Câu chuyện ít được biết xung quanh việc gia đình ông Trịnh Văn Bô hết lòng ủng hộ Cách mạng trước và sau khi nước nhà giành độc lập là một minh chứng cho điều đó.
Ðặt lòng tin tại 48 Hàng Ngang
Trước dịp Tết Ðinh Dậu, tôi trở lại ngôi nhà nhỏ tại đường Xuân La (Hà Nội) gặp nhà giáo Trịnh Lương, con trai cả nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô. Ông Trịnh Lương sinh năm Quý Dậu, năm Ất Dậu (1945) ông 12 tuổi, từng biết thời gian Bác Hồ ở trong ngôi nhà của gia đình tại 48 phố Hàng Ngang.
Ông Trịnh Lương cho biết: “Những năm qua, tôi luôn muốn tìm câu trả lời vì sao vào năm Ất Dậu xưa, khi về Hà Nội để chuẩn bị cho tuyên ngôn thành lập nước, Bác Hồ đã tin tưởng ở tại nhà tôi. Ngày ấy, tại Hà Nội có không ít gia đình giàu, địa thế nhà ở cũng thuận lợi, đâu chỉ có mỗi gia đình tôi”.
Thắc mắc của nhà giáo Trịnh Lương phần nào được lý giải khi cách đây gần chục năm nhà văn Sơn Tùng đã mời ông đến nhà chơi và cho biết: “Từng tìm hiểu về thời niên thiếu của Người, tôi biết vào đầu thế kỷ trước Bác Hồ từng biết gia đình anh”. Ðó là vào năm 1903, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng ra Hà Nội để gặp gỡ một số văn thân yêu nước thời đó như Lương Văn Can, Nguyễn Thượng Hiền...
Lần đó cụ Phó bảng đã đưa con trai Nguyễn Sinh Cung theo. Trong chuyến đi này, cụ Phó bảng cũng gặp gỡ cụ Trịnh Văn Ðường, bố ông Trịnh Văn Bô, chủ thương hiệu tơ lụa Phúc Lợi nổi tiếng ở phố Hàng Ngang. Cụ Trịnh Văn Ðường là một doanh nhân yêu nước, cuộc đàm đạo diễn ra rất tâm đắc.
Thông tin nhà văn Sơn Tùng cho biết khá phù hợp với những điều ông Trịnh Lương biết về gia đình mình. Ðầu thế kỷ trước, cụ Trịnh Văn Ðường thường qua lại với cụ Lương Văn Can ở phố Hàng Ðào, cách cửa hiệu Phúc Lợi của gia đình tại số 7 phố Hàng Ngang không xa. Năm 1907, khi cụ Lương Văn Can khởi xướng Ðông Kinh Nghĩa Thục, cụ Ðường cùng một người bạn yêu nước khác là Hoàng Ðạo Phương đã tham gia phong trào. Năm 1932, khi ông Trịnh Văn Bô lập gia đình với bà Hoàng Thị Minh Hồ (con cụ Hoàng Ðạo Phương), cụ Trịnh Văn Ðường đã giao việc kinh doanh cho vợ chồng con trai.
Nhờ làm ăn phát đạt, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô đã mua ngôi nhà 48 Hàng Ngang để mở rộng kinh doanh. “Trước khi mất tại 48 Hàng Ngang vào năm 1943, ông nội từng dặn bố mẹ tôi sau này cần ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Nguyễn Ái Quốc”- ông Trịnh Lương cho biết. Rồi ông kể thêm: “Nhà sử học Dương Trung Quốc sau khi nghe nhà văn Sơn Tùng và gia đình tôi kể lại chuyến đi trên của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã rất quan tâm đến câu chuyện này, coi đó là chi tiết lịch sử cần được lưu ý và xác minh thêm”.
Năm 2013, trong bài viết “Hiện tượng Trịnh Văn Bô”, ông Dương Trung Quốc cũng nhắc tới tình tiết ra Hà Nội của cụ Phó bảng, và viết: “Chính trong dịp này, cụ Phó bảng có gặp cụ Trịnh Văn Ðường (Trịnh Phúc Lợi) là thân sinh ông Trịnh Văn Bô. Cũng theo nguồn sử liệu này, thì hoặc là Nguyễn Tất Thành có đi cùng cha, hoặc sau này được cha thuật lại nên đã ít nhiều biết đến những nhân vật ái quốc ở Hà thành khi đó…”.
Trở lại câu chuyện ban đầu, ông Trịnh Lương nói: Sau bao năm mới có dịp về Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ quan trọng của đất nước, việc quyết định ở tại nhà 48 Hàng Ngang phải đáp ứng được yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vậy phải có lòng tin đặc biệt đối với nhà 48 Hàng Ngang, Bác mới ở tại đó.
“Tại đây, dù bận rộn rất nhiều việc, nhưng Bác luôn chào hỏi bà nội tôi (cụ Phan Thị Ngọc, vợ cụ Trịnh Văn Ðường-PV), thân mật như người một nhà. Sau này, khi được biết Người đọc Tuyên ngôn Ðộc lập chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, gia đình tôi rất cảm động vì được Bác tin tưởng ở tại nhà mình. Lòng tin của Bác khiến những năm tháng sau đó bố mẹ tôi càng hết lòng ủng hộ Cách mạng”- ông Trịnh Lương cho biết.
Phát huy nguồn lực trong dân
Tại 48 Hàng Ngang, có lần được Bác hỏi tên, bà Minh Hồ đáp: “Thưa Bác, cháu là Trịnh Văn Bô ạ”. Bác cười: “Trịnh Văn Bô là tên chú, Bác biết rồi. Bác muốn hỏi tên của cô”. “Dạ, cháu là Hoàng Thị Hồ”. Bác nói: “Cháu là người thông minh, tham gia việc nước, đảm đang việc nhà. Cháu nên đệm thêm chữ “Minh” trước tên của mình”.
Bà Hồ vâng lời, cải tên là Hoàng Thị Minh Hồ như hiện nay. “Lần khác, khoảng một tuần sau lễ Tuyên ngôn Ðộc lập, Bác thân mật nói với bố mẹ tôi: Thay mặt Trung ương Ðảng, tặng cô chú món quà, chúc gia đình và Cách mạng đoàn kết như đàn voi này. Ðón món quà là chiếc ngà voi trên đó khắc đàn voi quấn quýt bên nhau, bố mẹ tôi xúc động trào nước mắt”- ông Trịnh Lương cho biết.
Nửa tháng sau lễ Tuyên ngôn Ðộc lập, Chính phủ đã phát động “Tuần lễ Vàng” kêu gọi sự ủng hộ của các tầng lớp nhân nhân đóng góp tiền và đồ vật để xây dựng đất nước. Thời gian đó Bác đã tổ chức cuộc gặp với tầng lớp công thương yêu nước tại Hà Nội, bà Minh Hồ được mời tham dự. Sau khi thăm hỏi mọi người, Bác nói mình rất vui vì sự góp sức của các nhà tư sản cho nền độc lập của nước nhà. Bà Minh Hồ nhớ mãi câu nói của Bác hôm đó: “Lá cờ Việt Nam có ngôi sao vàng năm cánh, thì năm cánh sao đó cũng là năm đội quân “sĩ, nông, công, thương, binh”. Vậy một cánh sao đó là có các cô các chú, những nhà tư sản dân tộc”.Khi nước nhà độc lập, toàn bộ ngân khố của Chính phủ chỉ có hơn 1,2 triệu đồng Ðông Dương, trong đó rất nhiều tờ bạc rách nát khó lưu thông. Theo các tài liệu ghi nhận, trước và sau khi thành lập nước, gia đình ông Trịnh Văn Bô đã ủng hộ Cách mạng 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Ðông Dương.
Trong ngày đầu của “Tuần lễ Vàng”, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ đã đem 117 lượng vàng rồi đưa cụ Phan Thị Ngọc cùng tới ủng hộ vào hòm quyên. Ông Trịnh Văn Bô cũng đưa bố vợ là cụ Hoàng Ðạo Phương tới quyên góp.
Việc làm của gia đình ông Trịnh Văn Bô đã góp phần cổ vũ giới thương nhân ủng hộ Chính phủ tại “Tuần lễ Vàng”. “Người đầu tiên nhận ra sức mạnh của giới công thương Việt Nam hồi đó là Hồ Chủ tịch. Bằng sự chân thành, Người đã phát huy những nguồn lực trong dân để xây dựng một đất nước độc lập”- ông Lương bày tỏ.
Nhìn những bức ảnh chụp người thân tại “Tuần lễ Vàng” năm xưa, ông Trịnh Lương bồi hồi: “Khi tiêu tiền cho bản thân, bố mẹ tôi tiết kiệm từng đồng. Nhưng lúc Cách mạng, Hồ Chủ tịch cần thì bố mẹ tôi sẵn sàng mang tài sản vất vả cả đời của gia đình để ủng hộ mà không cầu danh vọng”.
Đăng nhận xét