TP - Nhiều người biết “Ngẫu hứng lý qua cầu” là một sáng tác của nhạc sỹ Trần Tiến nhưng đó chỉ là “nửa sự thật”. Chính bài thơ “Điệu lý qua cầu” của nhà thơ Bế Kiến Quốc đã khơi nguồn cho sự ra đời của nhạc phẩm này. Sắp tới, “đứa con” có số phận chìm nổi của thi sĩ sẽ đàng hoàng ra mắt độc giả trong tập sách lần đầu được công bố.
Bài thơ như sau: “Bằng lòng đi em…/Nhưng má anh đã mất/Mịt mù xa Nam- Bắc khó đưa dâu/Bằng lòng đi em…/Nữa mai rồi cách biệt/Chuyện tâm tình muốn nói dễ chi đâu/Bằng lòng đi em…/Dẫu chỉ nhờ câu hát/Có chiếc xuồng ba lá của riêng nhau/Bằng lòng đi em…/Mỗi khi buồn đến khóc/Một mình anh ca điệu lý qua cầu”.
Thơ tặng người khác “Em”
“Điệu lý qua cầu” ra đời năm 1984, là một trong nhiều bài thơ được thi sĩ viết tặng một cô sinh viên trường Sư phạm buổi đầu đến với văn chương, kém vợ anh chừng 12 tuổi, khi anh dự trại sáng tác ở Đồng Tháp. Theo nhà thơ Đỗ Bạch Mai, phu nhân Bế Kiến Quốc, khi phổ biến ca khúc dưới tên mới “Ngẫu hứng lý qua cầu”, nhạc sỹ Trần Tiến đưa lí do ẩn tên thi sĩ: “Phần lời của bài hát do một nhà thơ viết tặng cho cô bồ của anh ấy nên tôi không dám đưa tên anh ấy vào”. Thế là bao năm Bế Kiến Quốc “lưu vong” trong tác phẩm âm nhạc mà anh góp công sáng tạo.
Mãi sau này, nhà thơ Đỗ Bạch Mai mới “đòi” quyền lợi. Ngoài chuyện liên quan đến tác quyền thì chị muốn “trả lại tên” cho “đứa con tinh thần” của chồng. Tới đây, Đỗ Bạch Mai sẽ công bố một tập thơ đặc biệt của chồng, thơ viết cho những người đàn bà khác. Trong tập thơ, Đỗ Bạch Mai dành hẳn một phần để giới thiệu những sáng tác của Bế Kiến Quốc tặng cô sinh viên Sư phạm khiến anh xao lòng trong chuyến đi dự trại sáng tác.
Tác giả “Năm bông hồng trắng” không che giấu danh tính của người con gái khiến trái tim chồng mình từng lạc nhịp: “Đó là nhà thơ Thu Nguyệt”. Hiện nay Đỗ Bạch Mai vẫn chơi với Thu Nguyệt, “nàng thơ” một thuở của Bế Kiến Quốc, người từng khiến chị phát ghen mà lao vào làm thơ, rồi thành thi sĩ. Đỗ Bạch Mai dành cho Thu Nguyệt lời ngợi khen và cảm thông: “Thu Nguyệt văn chương nhưng ngờ nghệch, dễ thương lắm”. Nhân sinh nhật mình, Thu Nguyệt đã xin phép nhà thơ Đỗ Bạch Mai được sử dụng chùm thơ Bế Kiến Quốc tặng chị một lần duy nhất trên blog cá nhân. Sau đó, Thu Nguyệt đã tặng lại phu nhân của Bế Kiến Quốc chùm thơ được thi sĩ viết riêng: “Tặng chị và gia đình vì chị và gia đình xứng đáng nhận”.
Nhà thơ Bế Kiến Quốc và vợ, nhà thơ Đỗ Bạch Mai.
Tôi hỏi nhà thơ Đỗ Bạch Mai: “Tập thơ tình của chồng chị viết tặng những người đàn bà khác có dày không?”. Khá bất ngờ khi nhận được xác nhận từ phu nhân Bế Kiến Quốc: “Cũng phải một tập dày”. Chị không giận chồng, không trách chồng, bởi hơn ai hết chị hiểu “nếu không thế thì làm sao có cảm hứng sáng tác”. Đỗ Bạch Mai khẳng định: “Anh ấy chỉ yêu tinh thần thôi”.
Cũng như Đỗ Bạch Mai từng được Bế Kiến Quốc tặng trăm bài thơ. Chị từng nghĩ sẽ cất giữ “món quà” cho riêng mình nhưng khi chồng nằm xuống, được chứng kiến những tình cảm yêu thương, trân trọng của bạn bè, đồng nghiệp, chị quyết định công bố tập thơ mang tên “Đất hứa”, “để thơ của anh đến được với mọi người. Và… cũng bởi vì tình yêu của chúng tôi chỉ là cái cớ cho những bài thơ xuất hiện và tồn tại trong cuộc đời này”. “Đất hứa” là một trong ba tác phẩm giúp nhà thơ Bế Kiến Quốc giành giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Thêm những “đứa con” sắp sửa chào đời
Có lẽ Bế Kiến Quốc là một trong những nhà thơ có phần di cảo khá dồi dào. Đỗ Bạch Mai yêu chồng đến mức gần như tôn thờ nên chị trân trọng, nâng niu từng dòng chữ của anh. Chị dẫn tôi đi khắp nhà để “trình bày sự bừa bộn của mình”, xếp đầy những ngăn tủ kính là toàn bộ bản thảo của nhà thơ Bế Kiến Quốc để lại: “Tôi không vứt đi một tờ giấy nào cả”. Để chứng minh, chị giới thiệu cuốn “Đất rắn lại trời xanh hơn”, tập thơ đầu tiên của Bế Kiến Quốc, hoàn thành bản đánh máy vào tháng 12 năm 1971. Tập thơ bị thất lạc qua nhiều lần dọn nhà: “Hôm đó anh ấy nằm trong viện, cô con gái báo tin vui: “Bố ơi, tập thơ của bố tìm thấy rồi đây”. 10 ngày sau anh ấy mất”, Đỗ Bạch Mai nhớ lại. Chị đã rút một số bài từ tập thơ này để in nhưng chưa từng giới thiệu trọn vẹn. Tới đây, chị sẽ cho in toàn bộ “Đất rắn lại trời xanh hơn”, một tập thơ chứa đựng nhiệt huyết của chàng tuổi trẻ mới ra trường (Bế Kiến Quốc từng học ĐH Tổng hợp khoa Văn - pv).
Hiện nay có hai tập thơ chưa được in của tác giả “Điệu lý qua cầu” nhưng đang bị thất lạc (do một số người đến làm chương trình truyền hình về vợ chồng nhà thơ, mượn bản thảo “nghiên cứu” rồi quên trả): Tập “Cùng dòng sữa”, một tập thơ viết cho thiếu nhi; tập “Mai Mai”, tập thơ Bế Kiến Quốc viết tặng vợ. Đỗ Bạch Mai cũng muốn công bố tập “Giao lời”. Đây là tập sách gồm những đoạn trích từ những lá thư hai nhà thơ gửi cho nhau những khi phải xa nhau, do nhà thơ Bế Kiến Quốc tự tay gom góp, biên tập bản thảo từ khi còn sống. “Tập “Giao lời” khoảng hai trăm trang, chứa đựng tình yêu và giáo dục lí tưởng kiểu như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, nhà thơ Đỗ Bạch Mai bật mí.
Bản thảo tập thơ chưa xuất bản của Bế Kiến Quốc: Đất rắn lại trời xanh hơn.
Di sản thơ ca của Bế Kiến Quốc ước khoảng 500 bài, một phần không nhỏ trong số đó đã dành tặng vợ, đó cũng là một phần thưởng xứng đáng cho người bạn đời suốt đời hi sinh vì chồng, vì con. Khi còn sống, Bế Kiến Quốc từng viết những lời “cảm ơn cuộc đời”: “Anh đã từng cảm ơn những cuộc tình lỡ dở/Cảm ơn những chiều buồn thuốc lá đốt qua đêm/Cảm ơn nỗi cô đơn đã trở thành quá khứ/Cho anh là tự do khi đời anh gặp em”.
Bế Kiến Quốc còn một số vở kịch chưa được dàn dựng. Mảng nghiên cứu phê bình của nhà thơ cũng sôi nổi và hấp dẫn, đã được in báo nhưng chưa in thành sách.
Lá thơm hái lúc về già
Nhà thơ Chế Lan Viên cũng có người vợ cùng nghề văn chương, nhà văn Vũ Thị Thường. Sau khi Chế Lan Viên qua đời, Vũ Thị Thường đã cho ra mắt bộ Di cảo thơ gồm 3 tập, tập I, tập II, tập III, NXB Thuận Hóa ấn hành (1992, 1993, 1996). Những bài thơ trong Di cảo thơ của Chế Lan Viên như “những lá thơm hái lúc về già/Những chiếc lá có hương tư tưởng” gây tiếng vang và tranh luận trong giới. Những tháng cuối năm 2016, nhà văn Vũ Thị Thường vô cùng bận rộn với việc làm Tuyển tập Thơ và Tuyển tập Văn Chế Lan Viên, để nộp cho Trung tâm Quốc học TPHCM. Năm 2017, gia đình Chế Lan Viên sẽ kỷ niệm 80 năm ngày xuất bản “Điêu tàn” (1937-2017).
Đăng nhận xét