TP - Chính facebook đang “xúi” những người trẻ nghiện facebook bỏ điện thoại xuống và chạy ra ngoài “làm một việc gì đó”. Cuối năm có rất nhiều trò hay!

“Hẹn hò với Tây” đang được những người muốn học ngoại ngữ nhanh ưa chuộng.“Hẹn hò với Tây” đang được những người muốn học ngoại ngữ nhanh ưa chuộng.

Hẹn hò với Tây

Nghe tên sự kiện có người sẽ hiểu nhầm sang lĩnh vực mai mối lấy chồng (vợ) Tây. Sự thật đây là một cuộc hẹn hò trao đổi ngôn ngữ “có đi có lại”. Những người tổ chức tập hợp được một nhóm tình nguyện viên nước ngoài cùng đi dã ngoại cắm trại, và cần tuyển một nhóm thanh niên người Việt đi cùng để hai bên “dạy ngoại ngữ cho nhau”.

Đoàn Thanh Thủy (ĐH Bách khoa) kể: Cô mới tham gia một cuộc ba ngày hai đêm như thế này, nhưng vốn liếng ngoại ngữ và khả năng nghe nói cộng lại hiệu quả hơn ba năm học ở trường.

Trần Minh Tuấn (ĐH Thủy lợi) cũng từng tham gia ba khóa “Hẹn hò với Tây” và sau đó cậu kêu gọi rất nhiều bạn bè cùng tham gia. Theo nhận xét của Tuấn, cùng đi dã ngoại học tiếng hiệu quả hơn hẳn khi bạn chỉ giao tiếp ở đường phố hoặc trong các lớp học. 

Bị đẩy vào hoàn cảnh bắt buộc phải tìm hiểu nhau và cùng nhau trải qua những sinh hoạt thường nhật, cả hai phía “tây và ta” đều phải nỗ lực giao tiếp và khơi thông vốn từ. Có điều Tuấn lưu ý: những khóa học kiểu này rất hữu ích nếu bạn cần nghe, nói tiếng Anh gấp hoặc đi du lịch. Trong trường hợp muốn du học, bạn vẫn phải đến trường lớp để học ngữ pháp và từ vựng chuyên ngành.

“Hẹn hò với Tây” hiện có khá nhiều trung tâm mở. Giá cho một cuộc hẹn hò “không tiến tới hôn nhân” này trung bình từ 1-2,5 triệu đồng. Cuối năm là dịp những cuộc “hẹn hò” kiểu này bung ra nhiều nhất vì sinh viên đã thi xong học kỳ và kỳ nghỉ Tết của đại học Việt Nam thì lại bắt đầu sớm và kéo dài.

Lễ hội cà chua kiểu… ta

Đã từng tham gia lễ hội cà chua ở Tây Ban Nha, nghe nói gần Hà Nội có trang trại rau sạch tổ chức lễ hội cà chua made in Vietnam, Hà Anh (cựu du học sinh Đức) đăng ký ngay.

Không có những màn ném cà chua sướng tay và “da mặt láng mịn sau khi đắp mặt nạ cà chua tươi nguyên ngày”, lễ hội cà chua kiểu Việt chỉ có màn thu hái cà chua, học cách chế biến, bảo quán và ăn tiệc cà chua. 

Theo giải thích của ban tổ chức, cà chua dùng trong lễ hội này 100% là cà chua sạch được trồng trọt theo tiêu chuẩn khắt khe của Nhật. Trong tình hình thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, dù muốn tổ chức lễ hội cà chua kiểu Tây Ban Nha cũng bị khách hàng phản đối vì quá lãng phí.

“Dù sao, cũng là một buổi dã ngoại vui, ít nhất thoát khỏi màn không khí ô nhiễm thứ ba thế giới trong một ngày” – Hà Anh tổng kết.

Những thanh niên thích vườn tược còn có thể tham gia các buổi dạy chơi thủy tiên và tìm hiểu về những thú chơi hoa cũ của người Hà Nội. Nhóm “chơi hoa kiểu Hà Nội cũ” mới lập hơn một năm đã thu hút gần 2000 thành viên, đa số là những người trẻ từ 18-35 tuổi. Mỗi lần cận Tết, thủy tiên tự gọt, quất cảnh tự uốn… của nhóm đều được truyền đi truyền lại trên facebook. Một số người còn coi đây như một thú thư giãn và một bài tập sống chậm nhã nhặn.

Những trò vui trẻ trung cuối năm ảnh 1Tỉa thủy tiên hình gà là mode của các lớp dạy tỉa hoa năm nay.

Tiết kiệm là văn minh

Ngày 8/1, sân Đại học Thủy lợi nhộn nhịp người xách túi rác đen. Đây là chiến dịch “đổi rác lấy quà” do Đoàn thanh niên của trường tổ chức nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh, sinh viên. Mỗi người tham gia chỉ cần xách theo rác tái chế: đĩa CD hỏng, ống hút đã qua sử dụng, quần áo cũ v.v… để đổi lấy móc khóa, túi xách, đồ chơi… tái chế.

Những người tham gia hoạt động này còn có thể học cách biến cũ thành mới như tận dụng quần áo cũ làm lại thành túi xách, gối ôm, đồ chơi, thú nhồi bông v.v…

Một số thông tin “giật mình” công bố trong ngày “đổi rác lấy quà” đã được share lại lập tức và thu hút hàng nghìn like: “Trung  bình cần khoảng 2,2 – 4,4 tấn gỗ để sản xuất được mỗi tấn bột giấy, tuy nhiên chỉ cần 1,4 tấn giấy đã qua sử dụng có thể tạo ra 1 tấn bột giấy tái chế. Như thế, mỗi tấn giấy được tái chế sẽ giúp tiết kiệm: 24 cây rừng tự nhiên; lượng Oxy đủ cho 12 người thở trong 1 năm; 39.084 lít nước đủ cho 875 lần tắm, mỗi lần 5 phút, đủ để sử dụng cho 3.000 lần dội toilet; gần 4.000 kWh điện đủ dùng cho cả một căn nhà 3 phòng ngủ trong 1 năm”.

Những fan hâm mộ của “cần kiệm” và thân thiện môi trường còn có thể tham gia hàng chục hội chợ đồ cũ từ Chủ nhật này đến suốt Tết Nguyên đán. Không chỉ đi mua đồ, bạn còn có thể tự soạn đồ đem ký gửi hoặc bán cho những hội chợ đồ cũ. Nhóm du học sinh Pháp sau khi phát hiện “mỏ” này đã gần như reo lên: “Chợ chấy rận thần thánh! Đi chợ chấy rận!”. Trong tiếng Pháp, người ta gọi chợ giời là marché aux puces – giới trẻ hay gọi vui là chợ chấy rận, ám chỉ nguồn gốc những chiếc chăn đệm cũ được bán từ thời đầu tiên khi chợ mở ở Saint Ouen.

Nuông chiều bản thân

Nữ giới rất quan tâm đến những lớp học dạy khám phá cảm xúc bản thân và trở nên quyến rũ. Chẳng hạn lớp “Chạm” đã tổ chức đến lần thứ chín và ngày càng rút ngắn thời gian giữa các khóa. “Chạm” tập trung vào cơ hội đối thoại một cách thực sự nhằm khích lệ để mỗi người được bày tỏ về những điều khiến họ cảm thấy hạnh phúc hay tổn thương, để hiểu nhau hơn và vui sống.

Điều quan trọng khiến “Chạm” được quan tâm là vì học viên không cần có partner (bạn đồng hành khác giới) cũng có thể đăng ký học.

Nghệ sĩ Phan Ý Ly cũng đợi dịp cuối năm để tổ chức thêm lớp XXX. Đây là lớp học “đánh thức thiên tính đàn bà” của Ly và thu hút rất đông nữ trí thức tham gia. Có người kiên trì theo hàng chục lớp XXX khác nhau, như kiểu bị nghiện. Ly dạy họ cách làm thế nào để phô bày nữ tính, làm thế nào để không phải gồng mình, làm sao để đẩy trách nhiệm cho chồng (bạn trai) mà anh ta vẫn vui vẻ gánh vác v.v… Ngoài ra, Ly còn lớp “Quẩy” dạy cách giải phóng cơ thể và vận động cũng rất được ưa thích.

Những trò vui trẻ trung cuối năm ảnh 2Khóa học dã ngoại sinh tồn thu hút rất đông người trẻ tham gia.

Khó hơn và đã hơn

Những người yêu thích cảm giác mạnh và mạo hiểm được khuyên nên đến các lớp học kỹ năng sinh tồn trước khi “quăng mình vào gió bụi”.

Ở mức độ trung bình, UMC – Unlimited Moving Community tổ chức lớp dã ngoại sinh tồn ở rừng quốc gia Xuân Sơn, cách Hà Nội chừng 135km. Các chương trình đưa ra hầu như kích thích tất cả những người mới làm quen với phượt, kiểu như:  cắm trại ven suối, nấu cơm lam, nấu thịt bằng ống tre, nứa; chèo bè mảng, trải nghiệm Tazan trong khu rừng nguyên sinh; kiếm măng rừng tươi, bắt ốc dưới suối, làm bẫy cá, và tìm rau quả rừng như: quả mâm xôi, rau dớn, sắn nương...

Mức độ cao hơn, những hội “phượt cụ” sẽ có những sự kiện tập trung vào việc hướng dẫn “phượt non” xác định phương hướng, tìm lối đi, thoát hiểm; xác định đặc điểm của nước, tránh nước độc, học cách nhận biết nước nên uống, cách tạo lửa, làm bếp; học cơ bản về đặc điểm của thực vật, động vật; học nhận biết những cây dùng làm thuốc, những cây có độc và học cách phân biệt các loại thực phẫm ăn được trong rừng.

Mỗi lớp học kiểu này chỉ kéo dài từ 2-5 ngày và chi phí khá mềm so với tour du lịch thông thường nên sinh viên rất chú ý. Trung bình một khóa học dã ngoại sinh tồn có khoảng 20 người tham gia và cuối năm cũng là thời điểm “học hành” tốt nhất vì lúc này rừng khô ráo, chưa có mưa.

Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.