TP - 2017 sẽ làm một năm trọn vẹn đầy trọng trách của Chính phủ nhiệm kỳ mới. Không phải ngẫu nhiên, ngay trong tuần đầu năm mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một ngày đã dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết hai ngành/lĩnh vực “xương sống” của đất nước là Công thương và Tài chính.
Ngành Công thương trải qua một năm tai tiếng về công tác cán bộ như Thủ tướng ví von, là đã “vấp” nhưng cũng may “chưa ngã”. Cùng hàng loạt những gánh nặng từ các dự án thua lỗ, gánh nặng về bộ máy nặng nề không hiệu quả, những rào cản sản xuất, kinh doanh… Còn về tài chính, chi tiêu công vẫn như “ngựa bất kham”, các nguồn lực công (trụ sở, đất đai) vẫn là tâm điểm của tham nhũng, lợi ích nhóm, cũng là điểm nghẽn của tăng trưởng kinh tế.
Năm 2016 vừa qua, tình hình nhiều mặt của đất nước chưa khi nào khó khăn dồn dập đến thế. Nợ công tăng cao, thu ngân sách khó khăn. Đầu năm khắp nơi hạn, mặn cháy đất cháy đồng, sản xuất sinh hoạt nhiều nơi đình đốn. Giữa năm là sự cố môi trường nghiêm trọng biển 4 tỉnh miền Trung có thể coi là lớn nhất từ trước đến nay. Cuối năm lũ lụt trái mùa, hàng trăm người chết, miền Trung khốn đốn, thiệt hại vô cùng lớn. Tình hình trật tự an toàn xã hội liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc gây chấn động...
Chính phủ nhiệm kỳ mới vừa tuyên thệ nhận trọng trách trước Quốc hội, với tinh thần kiến tạo–hành động–liêm chính, đã lần lượt đi đầu vào các “điểm nóng”, bình tĩnh khéo léo từng bước hóa giải các khó khăn, thách thức trước mắt cũng như lâu dài để ổn định tình hình.
Và dù chưa đầy một năm, nhưng hình ảnh vị Thủ tướng và các thành viên Chính phủ gần dân, thấu hiểu dân, chia sẻ với dân cũng dần đậm nét. Bằng những quy định đề cao liêm chính, tiết kiệm, thông qua những việc làm cụ thể tưởng chừng rất nhỏ.
Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu năm 2017 này, thách thức vẫn lớn dần. Như Thủ tướng vừa thẳng thắn chỉ ra tại hội nghị tổng kết ngành Tài chính, đó là tỉ lệ nợ công tăng rất nhanh, mức tăng của năm qua là 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Dư địa tài khóa còn rất hạn hẹp, thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ.
Nên Chính phủ buộc phải đi vay để có vốn cho đầu tư phát triển. Điều này sẽ tác động đến nợ công và thâm hụt ngân sách. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là chi thường xuyên vẫn đang tăng rất nhanh. Thủ tướng dẫn lời cảnh báo của chuyên gia, đó là “nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ của nền tài khóa quốc gia là không thể tránh khỏi”.
Bởi vậy, Thủ tướng yêu cầu kiên quyết quản lý chặt chi tiêu ngân sách, triệt để tiết kiệm, mạnh tay cắt giảm chi mua sắm tài sản đắt tiền, chống xa hoa lãng phí, cắt giảm chi hội nghị, hội thảo; quản chặt khối tài sản công khổng lồ là trụ sở, đất đai vốn đang được quản lý phân tán, kém hiệu quả…
Trên đây tất nhiên mới chỉ là vài trong khối lượng khổng lồ những công việc, vấn đề mà Chính phủ phải tập trung xử lý trong thời gian tới. Người dân có quyền hy vọng, với kỷ cương và tầm nhìn mới, Chính phủ sẽ điều hành đất nước vượt qua được những khó khăn, thách thức.
Đăng nhận xét