Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016, triển khai kế hoạch năm 2017 của ngành tài nguyên và môi trường sáng qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, sắp tới sẽ rà soát, kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường từ trung ương đến địa phương. Quyết tâm 2-3 năm tới, các doanh nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường phải có lộ trình khắc phục.

Kiến nghị giám sát chặt

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, năm 2016, vấn đề môi trường ở nhiều nơi, nhiều lúc rất bức xúc. Báo cáo của Bộ cho thấy, bùng phát nhiều điểm nóng về ô nhiễm môi trường ở các địa phương (khoảng 50 sự cố, vấn đề môi trường nóng năm 2016 theo báo cáo trước đó của Tổng cục Môi trường). Ngoài ra, một số lượng lớn các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý. Nhiều khu, cụm công nghiệp chưa đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường. 4.500 làng nghề hầu hết sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm. Đặc biệt chỉ có 40/786 đô thị có công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt mới đạt 10-11%, còn lại xả trực tiếp ra môi trường.

Trước thực trạng đó, nhiều địa phương, bộ ngành kiến nghị giám sát chặt các doanh nghiệp có nguy cơ ô nhiễm. Ông Trương Minh Hoàng, Ủy ban KHCN&MT Quốc Hội cũng đề nghị, Bộ TN&MT cần tập trung cao nhất về kiểm soát, thẩm tra các công trình dự án trọng điểm kinh tế. Việc thẩm định, kiểm soát phải thực hiện ngay từ giai đoạn đầu. Đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cho rằng, vấn đề thanh tra, kiểm tra nếu làm chi tiết, cụ thể và xử lý nghiêm thì rất tốt cho công tác quản lý.

Nhận định vi phạm về môi trường ngày càng nghiêm trọng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu, không cho đầu tư xây dựng các dự án không đảm bảo môi trường. Các dự án khi có đủ cơ sở xử lý môi trường theo yêu cầu mới cho vận hành. Tổng điều tra, rà soát, phân loại các nguồn gây ô nhiễm ra sông biển, không khí ở các đô thị lớn, cải tạo phục hồi các khu vực ô nhiễm.

Riêng với Nhà máy thép Formosa tại Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý môi trường. Khi đáp ứng đủ điều kiện mới cho hoạt động đúng thiết kế.

Trước các đề nghị, yêu cầu trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sắp tới kiểm tra từ trung ương đến địa phương để rà soát, kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường để quản lý thật tốt các doanh nghiệp này. Quyết tâm 2-3 năm tới, các lĩnh vực, các ngành, có khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp có nguy cơ ô nhiễm phải có lộ trình khắc phục. “Chúng ta quyết tâm giám sát vấn đề này”, Bộ trưởng Hà nói.

Không để đánh giá tác động môi trường chỉ là hình thức

Một trong những nguyên nhân gây ra hiện trạng môi trường hiện nay được Bộ TN&MT chỉ ra là do hiệu quả, biện pháp quản lý Nhà nước còn bất cập. Trong đó, Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) hay Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vẫn chưa trở thành công cụ hữu hiệu trong phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường.

Ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND Đồng Nai chia sẻ, việc chôn lấp chất thải rắn tiềm ẩn nhiều nguy cơ với môi trường nên Tỉnh ủy Đồng Nai ra Nghị Quyết giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn xuống dưới 15% vào 2016 và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, khi rà soát để thực hiện, các doanh nghiệp cho biết, báo cáo đánh giá tác động môi trường của họ được phê duyệt thực hiện đến năm 2020, thậm chí 2025 nên cần thời gian đầu tư. Vì vậy, theo ông Khánh, thời gian tới, Đồng Nai sẽ xin kiến nghị điều chỉnh một số báo cáo đánh giá tác động môi trường để giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải và mong Bộ TN&MT ủng hộ chủ trương này.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu bất cập khác trong phê duyệt ĐTM. Ngoài Bộ TN&MT, UBND các tỉnh có quyền phê duyệt ĐTM, một số bộ, ngành khác cũng có quyền phê duyệt ĐTM trong khi trách nhiệm quản lý môi trường là của Bộ TN&MT và UBND các cấp. Cũng theo ông Quyền hiện nay có tình trạng, đơn vị này phê duyệt ĐTM trong khi đơn vị khác lại được cấp phép xả thải, dẫn đến bất cập. “Ví dụ Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn do Bộ TN&MT phê duyệt ĐTM nhưng quyền cấp phép xả thải lại thuộc về UBND tỉnh Thanh Hóa. Quá trình làm có những khó khăn, phải xin ý kiến lên, ý kiến xuống. Chúng tôi đề nghị cấp nào phê duyệt ĐTM thì gắn luôn cấp phép xả thải”, ông Quyền nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nêu thực tế, có một thời kỳ báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ là hình thức vì chúng ta chưa thấy được tác hại của ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường. Sự cố môi trường rất nghiêm trọng ở 4 tỉnh miền trung là bài học cảnh tỉnh. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu phải nghiêm túc nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường trong thời gian tới.

Yêu cầu xây dựng đề án giảm ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ TN&MT phối hợp với các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội xây dựng đề án chống ô nhiễm không khí. “Thời gian qua, có những ngày ô nhiễm không khí ở Hà Nội lên mức cao, đe dọa sức khỏe, cuộc sống người dân”, Phó Thủ tướng nói.

Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.