TPO - Chiều 4/1, phát biểu tại Hội nghị tổng kết và triển khai công tác của Sở Quy hoạch Kiến trúc, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh: "Đến giờ chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội. Năm qua, những khu đất 5-7 ha cũng bị băm ra cho 2-3 chủ đầu tư".
Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại Hội nghị của Sở Quy hoạch-Kiến trúc
Phát biểu trước đông đảo cán bộ công nhân viên Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, ông là người ngoại đạo không liên quan đến quy hoạch kiến trúc. Khi sang nhận nhiệm vụ mới, ông đã đọc rất nhiều tài liệu về các đô thị trên thế giới sẽ định hướng, thay đổi như thế nào.
"Đối chiếu với tiêu chuẩn, tiêu chí một thành phố xanh trong tương lai, tôi nhận thấy việc phát triển quy hoạch của Hà Nội có những vấn đề chúng ta đang đi chệch hướng”, ông Chung nói.
Vị chủ tịch thành phố lấy dẫn chứng trong quy hoạch cũ có nêu rất rõ khu vực bao nhiêu dân thì phải có một bệnh viện. Nhưng quy hoạch hiện nay, các bệnh viện di dời ra khu vực ngoại ô hết.
“Không hiểu sau này người dân phải đi mấy chục km mới đến bệnh viện. Trên thế giới người ta định nghĩa từ nhà ra đến bệnh viện đi bộ chỉ 15 phút. Tôi đồng ý là tận dụng tối đa nguồn lực bất động sản ở Hà Nội, nhưng chúng ta đã không tận dụng trong rất nhiều năm để lãng phí. Nếu như những năm 90 chúng ta làm tốt, lấy rộng ra hai bên 200 – 300m mặt đường thì thành phố đã giàu lắm rồi, chúng ta có đủ tiền để phát triển hạ tầng không kém gì các nước khác. Nhưng đến giờ chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội. Trong năm vừa qua, tôi họp với Sở Quy hoạch có những khu đất 5 – 7ha các anh cũng băm ra cho 2 – 3 chủ đầu tư. Tôi không hiểu đằng sau có gì người ta xin nhau hay không, nhưng tóm lại làm quy hoạch theo kiểu đấy thì không bao giờ tốt được”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Những toà nhà “chọc trời” ở Hà Nội
Nếu như trước đây, tòa nhà cao nhất Hà Nội là khách sạn 11 tầng ở Giảng Võ thì hiện nay đã có hàng loạt tòa nhà trên 40 tầng, thậm chí là trên 70 tầng. Có lẽ cuộc chạy đua giành danh hiệu tòa nhà cao nhất Việt Nam vẫn chưa đến hồi kết.
Ông Chung còn dẫn chứng câu chuyện về việc mua bán đất khi có thông tin quy hoạch để lý giải cho những “uốn lượn” trong kiến trúc đô thị. “Tôi nghe câu chuyện trước đây cứ mỗi lần lập đồ án là người ta đi mua bán đất. Năm vừa qua, tôi chứng minh chuyện đó là có thật. Bởi khi cắm chỉ giới đường đỏ ở khu vực đấy thì bắt đầu sinh ra chuyện mua đất. Hóa ra là toàn xi nhan người thân người quen đi mua, toàn nội bộ chúng ta ra cả. Thế nên có những uốn lượn hay kéo dài trong kiến trúc”, ông Chung nêu vấn đề.
Trước những tồn tại của quy hoạch đô thị, vị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Quy hoạch-Kiến trúc phải phối hợp với các quận, huyện thực hiện đúng theo lộ trình quy hoạch của thành phố đã giao. Cụ thể, phải tạo ra bộ mặt đô thị theo đúng lộ trình: Trồng cây xanh, hạ cáp ngầm, chỉnh trang ánh sáng, chỉnh trang mặt tiền, lát lại vỉa hè.
“Sở Quy hoạch phải tạo ra bộ mặt đô thị theo đúng lộ trình: trồng cây xanh, hạ cáp ngầm, chỉnh trang ánh sáng, chỉnh trang mặt tiền, lát lại vỉa hè. Có như vậy, bộ mặt phố xá thủ đô mới tốt lên được”, ông Chung yêu cầu.
Đăng nhận xét