TPO - Dẫn chứng câu chuyện trước đây cứ mỗi lần lập đồ án là người ta đi mua bán đất, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, năm vừa qua chứng minh chuyện đó là có thật. Bởi khi cắm chỉ giới đường đỏ ở khu vực đấy thì bắt đầu sinh ra chuyện mua đất, chuyện đánh chém nhau hóa ra là toàn “xi nhan” người thân người quen đi mua, toàn nội bộ chúng ta ra cả. Thế nên là có những uốn lượn hay kéo dài trong vấn đề kiến trúc đô thị.
“Tôi hiểu định mức Nhà nước với các đồ án quy hoạch thấp nhưng thực sự chất lượng đồ án rất kém. Tôi nghe câu chuyện trước đây cứ mỗi lần lập đồ án là người ta đi mua bán đất. Năm vừa qua, tôi chứng minh chuyện đó là có thật. Bởi khi cắm chỉ giới đường đỏ ở khu vực đấy thì bắt đầu sinh ra chuyện mua đất, chuyện đánh chém nhau hóa ra là toàn “xi nhan” người thân người quen đi mua, toàn nội bộ chúng ta ra cả. Thế nên là có những uốn lượn hay kéo dài trong vấn đề kiến trúc”, ông Chung dẫn chứng.
Liên quan chủ trương giao cho các quận, huyện các tuyến đường đã hạ ngầm, ông Chung cho rằng, các quận huyện phải chủ động chỉnh trang, Sở phải phối hợp chứ bây giờ vẫn lôm nhôm. Phải làm quy hoạch mặt tiền hai bên đường, tiêu chí đã có rồi. Phải tạo ra bộ mặt đô thị theo đúng lộ trình: trồng cây xanh, hạ cáp ngầm, chỉnh trang ánh sáng, chỉnh trang mặt tiền, lát lại vỉa hè. Có vậy hy vọng phố xá mới tốt được.
“Thành phố hiện đang có quy định rất chặt chẽ các biệt thư trước năm 1954, biệt thự nào nằm trong danh mục phải bảo tồn, biệt thự nào phải sửa chữa là rất rõ. Bây giờ phải tăng cường quản lý. Vừa qua, tôi phải gọi anh Vinh (Lê Vinh - Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc-PV), lên, tôi không thể tưởng tượng được lại có những đề xuất như thế. Một biệt thự nằm trong danh mục cấm mua bán và cấm được đập. Vậy mà đến lúc lọt qua đến tận thành phố ra quyết định bán. Đề xuất từ số nhà A sang số nhà B, một số nhà hoàn toàn không có mà lọt qua tất cả các khâu. Khi đề xuất bán sang người khác thì tôi mới phát hiện ra…”, ông Chung gay gắt.
Ông Chung cho rằng, phải kiểm tra lại quy trình, bởi ông nghĩ rằng có tiêu cực. “Quan điểm của tôi là báo cáo Thường trực và chuyển cơ quan điều tra cho minh bạch. Quản lý liên quan đến kiến trúc các khu nhà nội đô, nhất là trong quận Hoàn Kiếm, Sở Quy hoạch cần phối hợp để quản lý chặt chẽ. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Phải kiểm soát chặt chẽ”, ông Chung nhấn mạnh.
Xung quanh ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, vị lãnh đạo thành phố cho rằng riêng lĩnh vực giao thông cho đến giờ phút này chưa có một Bộ ban ngành nào bàn giao bất cứ một trụ sở nào cho Hà Nội. Thứ hai là bệnh viện di dời rồi nhưng cũng chưa có bệnh viện nào bàn giao lại. Thậm chí có bệnh viện còn xây thêm, ví dụ như bệnh viện Việt Đức còn chất tải thêm. Thứ ba, ông Chung đặt vấn đề, chúng ta nghĩ gì khi xe ô tô Hà Nội đã 570 nghìn chưa kể xe vũ trang; 5,2 triệu xe máy.
“Hà Nội có 1,1 triệu học sinh mỗi ngày phải đưa đi 3 vòng. Khách du lịch cũng triệu lượt người, cũng áp lực tăng lên. Hà Nội đã có chương trình quản lý dân cư, những thông số dân cư sẽ được đưa lên cho người dân được biết. Tiếp nữa là ý thức giao thông, chúng ta sẵn sàng trèo lên vỉa hè luôn…”, ông Chung dẫn chứng.
Trước những tồn tại của quy hoạch đô thị, vị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Quy hoạch-Kiến trúc phải phối hợp với các quận, huyện thực hiện đúng theo lộ trình quy hoạch của thành phố đã giao. Cụ thể, phải tạo ra bộ mặt đô thị theo đúng lộ trình: Trồng cây xanh, hạ cáp ngầm, chỉnh trang ánh sáng, chỉnh trang mặt tiền, lát lại vỉa hè.
“Sở Quy hoạch phải tạo ra bộ mặt đô thị theo đúng lộ trình: trồng cây xanh, hạ cáp ngầm, chỉnh trang ánh sáng, chỉnh trang mặt tiền, lát lại vỉa hè. Có như vậy, bộ mặt phố xá thủ đô mới tốt lên được”, ông Chung yêu cầu.
Đăng nhận xét