Dịp Tết đến xuân về cũng là thời điểm những chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội nở rộ. Những món quà trúng thưởng hấp dẫn bỗng dưng từ trên trời rơi xuống đã khiến không ít người sập bẫy bọn lừa đảo giấu mặt...

Cảnh sát công nghệ cao đấu tranh với các đối tượng.Cảnh sát công nghệ cao đấu tranh với các đối tượng.

Muôn mặt bẫy trúng thưởng

Hai nạn nhân của trò lừa đảo trúng thưởng trên mạng là anh Nguyễn Văn Tráng và Phạm Ngọc Hùng ở Hà Nội cho biết, bất ngờ các anh nhận được tin nhắn thông báo trúng thưởng từ một tài khoản trong hệ thống trò chơi trên website Garena.vn với nội dung thông báo tài khoản của anh Tráng và anh Hùng là 1 trong 100 tài khoản may mắn trúng thưởng chương trình tri ân của Garena.

Tin nhắn hướng dẫn để biết chi tiết về phần thưởng thì đăng nhập vào website: http://ift.tt/2jlxz0x. Khi truy cập vào website này theo hướng dẫn, 2 anh thấy xuất hiện hộp hội thoại với nội dung: “Hệ thống Garena chào mừng bạn đến với website sukienonline-garena.com”, “Hệ thống nhận quà cùng sự kiện đang diễn ra trên Garena Việt Nam”, sau đó hiện giao diện đăng nhập giống với giao diện đăng nhập của website Garena.vn (website của Công ty Giải trí và thể thao điện tử Việt Nam).

Thực hiện các thao tác đăng nhập, anh Tráng và Hùng thấy trong web có đăng thông báo khuyến mại khi nạp thẻ qua website sẽ nhận được quà của chương trình tri ân khách hàng gồm: Các gói quà trong game online của hệ thống Garena và tài khoản điện thoại đăng ký để nhận trúng thưởng sẽ nhận được x10 giá trị thẻ cào (trong đó 50% giá trị thẻ cào được x10 vào tài khoản chính, 10% giá trị thẻ cào được x10 vào tài khoản khuyến mại) và giá trị tương ứng khi mua các gói quà ưu đãi.

Tin là mình trúng thưởng, hai anh đã mua thẻ cào điện thoại nạp vào website như hướng dẫn. Kết quả là việc nạp thẻ thì thành công, nhưng chờ mãi chẳng thấy quà trúng thưởng đâu. Liên hệ tổng đài chính thức của Công ty Giải trí và thể thao điện tử Việt Nam, hai anh mới biết đã sập bẫy lừa đảo bởi công ty không có chương trình khuyến mại nào và cũng không có website http://ift.tt/2jlxz0x.

Sau khi anh Nguyễn Văn Tráng và Phạm Ngọc Hùng trình báo, Đội 3 Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an TP Hà Nội đã vào cuộc điều tra, làm rõ “tác giả” của chương trình trúng thưởng lừa đảo trên là Nguyễn Trường Xuân (19 tuổi, ở Duy Xuyên, Quảng Nam), đang là sinh viên công nghệ thông tin một trường cao đẳng công nghệ tại Đà Nẵng.

Theo khai nhận của Nguyễn Trường Xuân, cuối năm 2015, khi chơi game tại một quán Internet ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, Xuân thấy nhiều khách chơi tại quán lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức lập các website giả mạo các đơn vị phát hành game gửi tin nhắn trúng thưởng lừa người chơi nạp thẻ nên đã học cách làm theo. Xuân mua tên miền hethongriot-garena.com với giá 50.000 đồng, thuê đối tượng quản trị xây dựng website giả mạo giống với giao diện của website Garena.

Trên website đăng tải thông tin nạp thẻ được hưởng gấp 10 lần giá trị thẻ nạp và các vật phẩm có giá trị trong game giá 500.000 đồng. Sau khi khách hàng đăng nhập tài khoản, mật khẩu thì website sẽ tự động gửi thông tin này vào hộp thư điện tử của Xuân.

Để rút tiền của khách hàng, Xuân sử dụng một số điện thoại lập tài khoản “lam giau thoi” trên website Vippay.vn và tích hợp vào website lừa đảo. Khi khách hàng nạp thẻ cào điện thoại vào website thì website tự động nạp vào tài khoản vippay này. Sau đó Xuân dùng tài khoản ngân hàng kết nối với tài khoản vippay để rút tiền.

Lúc đầu, Xuân dùng các tài khoản game garena ở quán Internet để gửi tin nhắn spam thông báo cho các tài khoản khác với nội dung “Bạn đã nhận được phần quà trên hệ thống garena, click vào đường link để xem chi tiết gói quà”. Sau khi người chơi cả tin đăng nhập và bị Xuân chiếm đoạt thông tin tài khoản cũng như thẻ cào điện thoại, Xuân còn dùng chính tài khoản game của người bị hại để tiếp tục spam tin nhắn trúng thưởng đến các tài khoản khác.

Đến tháng 6-2016, website hethongriot-garena.com bị chặn do các nhà cung cấp trình duyệt web phát hiện việc lừa đảo, Xuân tiếp tục mua tên miền khác để hoạt động lừa đảo. Trong quá trình hoạt động, cứ một website bị đóng, Xuân lại lập một website khác. Tổng cộng Xuân đã lập và quản trị 6 website gồm: hethongriot-garena.com, sukienonline-garena.com, phatquaonlinegarena.com, game24hgarena.com, toppaygarena.com, riotgamesgarena.com để chiếm đoạt 1.410 thẻ cào điện thoại trị giá gần 92 triệu đồng và 66.000 tài khoản game garena của người chơi.

Theo PC50 Công an Hà Nội, hành vi của Nguyễn Trường Xuân có dấu hiệu của tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 226b BLHS. Vụ việc đang được Đội 3 PC50 phối hợp Công an TP Đà Nẵng điều tra, xử lý theo pháp luật.

Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng PC50 Công an Hà Nội khuyến cáo, dịp tết Nguyên đán chính là thởi điểm các đối tượng lừa đảo trên mạng tung ra các chiêu trò lừa đảo bẫy người sử dụng. Phổ biến nhất vẫn là thủ đoạn thông báo chương trình khuyến mại nạp thẻ cào điện thoại x10 giá trị thẻ nạp; thủ đoạn gọi điện thoại, nhắn tin trên mạng xã hội lừa đảo trúng thưởng các phần quà có giá trị, sau đó yêu cầu chuyển tiền, nạp thẻ cào điện thoại rồi chiếm đoạt. Các đối tượng gọi điện thoại giả danh là giám đốc, phó giám đốc hay nhân viên các ngân hàng có uy tín, các nhà mạng... thông báo với bị hại đã trúng thưởng các giải thưởng có giá trị như xe máy SH, sổ tiết kiệm trị giá hàng trăm triệu đồng... sau đó yêu cầu bị hại chuyển tiền bằng mã thẻ cào để làm thủ tục nhận giải, chi phí vận chuyển.

Ngoài ra còn thủ đoạn thông tin có người thân làm việc tại công ty xổ số cho trúng lô đề. Các đối tượng đánh vào tâm lý muốn trúng thưởng của bị hại, tự xưng có người nhà làm ở công ty xổ số muốn kết hợp làm ăn với bị hại. Đối tượng yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng, chuyển thẻ cào điện thoại rồi cung cấp số trúng thưởng để đánh lô đề, sau đó chiếm đoạt tiền và thẻ cào hoặc cung cấp số không trúng thưởng.

Thực ra, những trò lừa đảo này không mới, chỉ là “bình mới rượu cũ”. Bản chất của các trò lừa trên mạng xã hội như Facebook, Viber... từ đầu năm 2015 đến nay vẫn là lừa đảo trúng thưởng, lừa đảo khuyến mại nạp thẻ. Đặc biệt trong những ngày giáp tết, đầu năm mới, chiêu lừa thông báo trúng thưởng qua hình thức nhắn tin, gửi thư, email càng rộ lên nhằm lừa gạt tiền của những ai nhẹ dạ, cả tin.

Tuy nhiên, sau khi các trò lừa cũ bị lật tẩy, các đối tượng không ngừng thay đổi phương thức trúng thưởng, thay đổi quà trúng thưởng, thay đổi liên tục địa chỉ website lừa đảo... để đánh vào lòng tham trước mắt của người sử dụng. Tâm lý người Việt muốn gặp may mắn trong dịp năm mới chính là “điểm yếu” để những kẻ lừa đảo bám vào, tung ra các chiêu trò lừa người sử dụng mạng.

Cảnh giác mua hàng online

Theo Đại úy Vũ Việt Anh, Đội trưởng Đội 3 PC50 Công an Hà Nội, thương mại điện tử phát triển mạnh trong thời gian gần đây cũng là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lừa đảo bán hàng online hoạt động, nhất là trong dịp tết Nguyên đán. Thủ đoạn của các đối tượng là yêu cầu chuyển tiền nhưng không giao hàng theo thỏa thuận, giả mạo trang web, Facebook bán hàng để chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng lập ra tranh fanpage giả mạo các trang bán hàng online uy tín, rao bán các sản phẩm có giá trị như quần áo thời trang, túi xách, điện thoại, vé máy bay, bàn ghế, mỹ phẩm... Khi bị hại mua hàng, đối tượng yêu cầu chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt.

Dịp trước và sau tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng lập các trang web giả mạo để lừa bán vé tàu, vé máy bay. Cuối tháng 12/2016, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phát hiện một loạt trang web có tên miền gần giống với website của ngành đường sắt để bán vé tàu với giá đắt gấp nhiều lần so với giá vé Đường sắt Việt Nam cung cấp để trục lợi.

Khi hành khách liên hệ đặt vé thông qua các website giả mạo, chủ các website này sẽ lấy thông tin của họ, sau đó vào website của ngành Đường sắt đặt mua vé rồi gửi mã vé cho hành khách và lấy giá cao gấp nhiều lần.

Đối với vé máy bay cũng vậy, càng vào dịp lễ tết, các website giả mạo bán vé ngày càng nhiều. Cảnh báo của ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA thì các website giả mạo tên các hãng hàng không tại Việt Nam chỉ khác biệt duy nhất 1 chữ cuối, thậm chí chỉ khác 1 chữ cái “s”. Không ít khách hàng mua vé máy bay tại các trang giả mạo này đã bị mua vé hết hạn hoặc vé giả.

Những ngày giáp tết Đinh Dậu, một trò lừa đảo mới xuất hiện là gọi điện thoại thông báo trúng quà tặng, yêu cầu trả phí chuyển hàng hàng trăm ngàn đồng hay trúng thưởng phiếu mua điện thoại xịn nhưng phải đóng thêm một khoản tiền để nhận về 1 chiếc điện thoại rởm. Nạn nhân là chị Phạm Thu H. ở Thanh Xuân, Hà Nội vào chiều 5-1 vừa qua đã nhận được điện thoại của một người tự giới thiệu là nhân viên công ty sản phẩm Việt có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh thông báo chị H. trúng thưởng 1 phần quà của công ty trong chương trình quà tặng cuối năm gồm toàn hàng nhập ngoại: 1 chai nước hoa Chanel, 1 máy đuổi muỗi, 1 bộ mặt nạ đắp mặt. Nhân viên này xin tên, địa chỉ để chuyển quà qua đường chuyển phát nhanh và yêu cầu chị H. thanh toán cước phí chuyển phát là 280.000 đồng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì địa chỉ công ty mà đối tượng thông báo chỉ là địa chỉ “ma”.

Một trò lừa tương tự như vậy là giả mạo các kênh truyền hình bán hàng, các công ty (lấy địa chỉ “ma”) thông báo lừa người dân trúng thưởng phiếu quà tặng mua điện thoại thông minh đắt tiền, tuy nhiên phiếu quà tặng không đủ nên yêu cầu người trúng thưởng gửi thêm tiền mặt để gửi điện thoại về, sau đó chiếm đoạt tiền, hoặc chỉ gửi điện thoại rởm...

Cảnh sát công nghệ cao Công an TP Hà Nội khuyến cáo, thủ đoạn lừa đảo trên mạng của các đối tượng ngày càng tinh vi, đòi hỏi người sử dụng Internet và mạng xã hội phải cảnh giác và biết cách tự bảo vệ mình. Do chủ quan, không coi trọng bảo mật thông tin cá nhân niên nhiều người thường sử dụng cùng một tên tài khoản và mật khẩu trên nhiều dịch vụ trực tuyến khác nhau. Chỉ cần để lộ những thông tin này trên một dịch vụ có thể khiến người dùng mất quyền kiểm soát đối với tất cả tài khoản số của mình.

Tại Việt Nam hiện nay, mỗi ngày có hàng triệu người kết nối Internet để mua sắm, thực hiện các giao dịch ngân hàng. Đặc biệt dịp lễ, tết là thời điểm các trang web bán hàng trực tuyến tung ra những chương trình khuyến mại hấp dẫn. Bên cạnh việc đề phòng các website giả mạo thì người dùng cần tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân và các chi tiết về tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội hay thư điện tử, đặc biệt không tiết lộ mã PIN tài khoản. Máy tính và điện thoại thông minh khi kết nối Internet cần được bảo vệ bằng các phần mềm bảo mật cập nhật nhất và phần mềm chống virus có bản quyền. Lựa chọn các trang web, Facebook bán hàng có uy tín và đã được kiểm chứng.

Đối với các chương trình khuyến mại, trúng thưởng khi nạp thẻ cào, theo quy định của Nhà nước, giá trị khuyến mại thẻ nạp không vượt quá 50%. Do đó khi nhận thông tin từ trang điện tử lạ, không chính thống hoặc tin nhắn từ số không phải của nhà mạng, người dùng cần cảnh giác kiểm tra, không làm theo hướng dẫn ngay. Bên cạnh đó, các cuộc gọi nhỡ  từ số máy cố định hoặc di động lạ cũng có thể là cái bẫy tinh vi bởi khi gọi lại sẽ bị trừ cước với giá rất cao.

Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.