TP - TS Nguyễn Huy Quang- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định, trong dự thảo luật về Máu và Tế bào gốc, Bộ Y tế chưa đề cập gì đến đề xuất công dân bắt buộc hiến máu năm 1 lần mà vẫn trên cơ sở hiến máu tình nguyện.

Liên quan đến thông tin dự thảo Luật về Máu và Tế bào gốc do Bộ Y tế trình Bộ Tư pháp thẩm định, có thông tin cho rằng Bộ Y tế quy định công dân phải bắt buộc hiến máu 1 năm/1 lần, chiều ngày 9/1, trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Huy Quang- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định, trong dự thảo luật về Máu và Tế bào gốc, Bộ Y tế chưa đề cập gì đến đề xuất công dân bắt buộc hiến máu năm 1 lần mà vẫn trên cơ sở hiến máu tình nguyện.

Ông Quang cho hay, quan điểm xây dựng luật hiện nay là phải dựa trên bằng chứng về mặt khoa học. Bộ Y tế lựa chọn phương án hiến máu tình nguyện nhưng làm thế nào để chứng minh hiến máu tình nguyện là tối ưu thì phải đưa ra giả định. Trường hợp này giả định là hiến máu bắt buộc. TS Quang nói rõ: “Khẳng định của Luật là để duy trì nguồn máu phục vụ điều trị thì hiến máu tình nguyện là chủ chốt, không đặt vấn đề chính là hiến máu bắt buộc. Hiện cả nước đang tập trung hiến máu mang tính chất tình nguyện. Nếu ghi là bắt buộc thì liên quan đến quyền con người, không dễ gì mà chúng ta bắt buộc được. Trên thế giới cũng không có nước nào quy định hiến máu bắt buộc. Việc hiến máu tình nguyện hiện trong 2-3 năm gần đây đáp ứng tốt nhu cầu điều trị của người bệnh như các chuỗi Chủ nhật Đỏ của báo Tiền Phong khởi xướng từ 9 năm qua, hay lễ hội Xuân hồng, hành trình Đỏ…”.

Ông Quang phân tích, nếu hiến máu bắt buộc thì một năm tiêu tốn 4.180 tỷ, trong khi hiến máu tình nguyện như hiện nay với 18,2 triệu người hiến máu thì chỉ tiêu tốn 2.000 tỷ. Đó là chưa kể, hiến máu bắt buộc với 46 triệu dân sẽ gây dư thừa, lãng phí nguồn máu. Xét về khía cạnh quyền con người trong Hiến pháp, tham khảo luật pháp quốc tế, nguồn và nhu cầu về máu, kinh tế và xét về hình thức đang thực hiện thành công trên thực tiễn, Bộ Y tế lựa chọn phương án khả thi và phù hợp với kiều kiện kinh tế xã hội, hệ thống pháp luật, hội nhập quốc tế là duy trì hiến máu tình nguyện.

Năm 2016, toàn quốc vận động tiếp nhận gần 1,4 triệu đơn vị máu, đạt 109% chỉ tiêu, tăng 3,9% so với năm 2015. Hiện nhu cầu máu đáp ứng điều trị tuyến trung ương, tỉnh năm 2016 tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu máu. Riêng tuyến huyện có nơi thiếu trên 20% lượng máu cung cấp ở những vùng sâu, vùng xa.

Bộ Y tế và Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo, Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã có kế hoạch phê duyệt và triển khai kế hoạch đến năm 2020, bằng các thể chế, cơ chế chính sách, thúc đẩy hiến máu tình nguyện, hiện đạt 2% dân số tham gia hiến máu, đáp ứng được nhu cầu điều trị.

Trả lời thắc mắc của người dân về việc nguồn máu là tình nguyện nhưng bệnh nhân vẫn phải trả tiền mua máu, TS Quang cho biết: “Nhà nước bỏ tiền ra để vận động hiến máu, hiến máu không phải mua-bán máu. Tiền bỏ ra khi người bệnh sử dụng máu là để sàng lọc máu, tách chế phẩm của máu. Chi phí này để bảo quản, vận chuyển, sàng lọc, phân tích và sản xuất các chế phẩm máu. Đây chính là tính phi lợi nhuận”. 

Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.