TP - Câu chuyện các chuyên gia nước nhà hiến kế “xuất khẩu tiến sĩ” (dư thừa) ồn ào một dạo hồi năm kia, nay lại rộ lên với “xuất khẩu cử nhân” (thất nghiệp). Lần này là hoạch định hẳn hoi của Bộ LĐ-TB&XH, đưa lực lượng có trình độ học vấn đang ngồi nhà đi lao động ở nước ngoài.
Chạnh lòng. Cử nhân, và cả thạc sĩ, tiến sĩ - anh chị, ông bà là ai mà “dở thợ dở thầy” thế này?!
Mấy năm trước ở Singapore có ông tiến sĩ xuất thân từ Đại học Stanfort (Mỹ) bị sa thải mất việc khi mới ngoài 40 tuổi, phải kiếm sống bằng nghề lái taxi.
Thế nhưng sau khi ra đường ôm vô lăng taxi và mở trang blog “Nhật ký taxi” kể chuyện mình, ông bỗng trở nên… nổi tiếng. Nổi hơn hẳn khi ông còn đang ở Viện nghiên cứu, lẫn giữa vô vàn tiến sĩ khác.
Đây có lẽ chỉ là trường hợp hiếm hoi. Còn ở ta, không cần nói cũng biết hình ảnh cử nhân bây giờ “xuống” lắm rồi, không long lanh như đôi ba chục năm trước. Họ bây giờ xuất hiện ở khắp công trường, nhà máy để lao động chân tay.
Mang nỗi sợ một ngày lộ ra “thân phận” cử nhân, sẽ bị đuổi việc! Đến nỗi gần đây rất nhiều thí sinh tốt nghiệp phổ thông đã không thi vào đại học. Hoặc thi đậu rồi cũng không đến trường.
Thực tế, bây giờ rất nhiều cử nhân không còn ngồi chờ được xuất khẩu, mà đã tự “xuất chiêu” để cứu mình. Họ cất bằng đại học, đi mở trang trại, trồng trọt, chăn nuôi, lập xưởng, mở dịch vụ, kinh doanh… Toàn những thứ trái ngành nghề được đào tạo. Nhưng đổi lại, họ được làm chủ công việc và tạo ra cơ ngơi của riêng mình.
Và một xu hướng ngày càng phổ biến là không ít bạn trẻ tự tìm cách “xuất khẩu” chính mình. Khoác ba lô lên đường, cả khi với cái túi rỗng. Du lịch bụi, làm tình nguyện viên, làm “thợ đụng” ở xứ người…. Để trải nghiệm, mở mắt trước thiên hạ, tích lũy trình độ, vốn sống và vốn liếng, rồi về nước thực hiện con đường riêng mình. Dạy ngoại ngữ, viết sách báo, diễn thuyết, làm du lịch, xây dựng các dự án cộng đồng... Tên tuổi được gây dựng từ cách ấy trong cộng đồng mạng xã hội và các kênh riêng của giới trẻ là chìa khóa mở ra bước đường tiếp theo trước mặt. Thế giới hiện đại, toàn cầu này đón nhận họ. Như quan tâm đón nhận và chia sẻ những bài học đời sống của ông tiến sĩ lái taxi nọ.
Một hiện tượng mới nữa cũng đang rộ lên. Đó là không ít cử nhân bằng khá giỏi, có người sở hữu hai bằng đại học, trong đó có nhiều bạn nữ đã tình nguyện nhập ngũ. Một phần từ truyền thống quân đội của gia đình. Nhưng quân đội cũng đang là một “đầu ra” lý tưởng bây giờ. Không chỉ vì ổn định đời sống, mà còn là môi trường tốt để phấn đấu. Không phải ngẫu nhiên các trường quân đội, công an hiện nay điểm thi vào rất cao, trở thành những địa chỉ “nóng” các mùa tuyển sinh.
Hơn 200 ngàn cử nhân thất nghiệp, các bạn đang nghĩ gì?
Đăng nhận xét