TPO - Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định, các cuộc đàm phán giữa Moscow và Ankara về việc chuyển giao hệ thống tên lửa S-400 vẫn đang được tiếp tục. Vướng mắc là vấn đề giá cả.
Hãng RIA Novosti ngày 22/2 dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết: “Các cuộc đàm phán với Nga về việc mua S-400 vẫn đang được tiến hành một cách tích cực”.
Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên vấn đang vướng mắc về vấn đề giá cả.
Trước đó, Giám đốc điều hành tập đoàn vũ khí Rostec Nga, ông Sergei Chemezov cho biết Moscow và Ankara đang đàm phán để hoàn tất hợp đồng mua bán tổ hợp tên lửa S-400.
Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến chi 3,4 tỷ USD để mua các tổ hợp phòng không hiện đại, cũng như công nghệ để tự phát triển hệ thống lá chắn tên lửa.
Trong cuộc đấu thầu năm 2013, nước này đã lựa chọn hệ thống FD-2000 của Trung Quốc, thay vì S-400 Nga, SAM-P/T của châu Âu hay Patriot PAC-3 Mỹ.
Kể từ năm 2007, hệ thống S-400 chỉ cung cấp cho quân đội Nga. Trung Quốc và Ấn Độ có thể sở hữu hệ thống phòng không tối tân nhất của Nga hiện nay trong khoảng 1-2 năm tới.
Tổ hợp tên lửa S-400 do Phòng Thiết kế, Tập đoàn Almaz-Antey, Nga, phát triển, là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn loạt hệ thống tên lửa đất-đối-không S-300.
Hệ thống này được biên chế từ tháng 4/2007 và lần đầu triển khai trên thực địa 4 tháng sau đó.
Hệ thống có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không, bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây.
S-400 có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và cùng lúc bắn hạ 36 mục tiêu trong đó. Đặc biệt, S-400 đủ sức hạ gục những tên lửa chiến lược có tầm bắn tới 3.500 km, gấp gần 4 lần hệ thống Patriot của Mỹ.
Tổ hợp tên lửa này được tích hợp radar đa chức năng chống nhiễu, hệ thống phát hiện và ngắm bắn tự động, tên lửa phòng không, bệ phóng và trung tâm chỉ huy - điều khiển.
S-400 có thể khai hỏa 5 loại tên lửa để tạo nên cơ chế phòng thủ phân lớp.
Đăng nhận xét