TP - TPHCM đang hành động quyết liệt để trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Đó là một chủ trương đúng đắn bởi bản chất tất yếu của vỉa hè, sinh ra là dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, xem ra thực tế cuộc sống lại không hề đơn giản như vậy.

“Cuộc chiến” vỉa hè giữa chính quyền các đô thị lớn như TPHCM hay Hà Nội với những người vi phạm đã kéo dài hàng thập kỷ nay, kể từ khi kinh tế thị trường phát triển nhộn nhịp, đất chật người đông, hạ tầng cơ sở bị quá tải trầm trọng. Bất cứ ai cũng dễ dàng nhận ra những “đối tượng” lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ. Lực lượng đông đảo và bám trụ bền bỉ nhất là những người mưu sinh trên vỉa hè, bởi đó chính là nguồn sống của họ. Tiếp đến là ô tô, xe máy dùng vỉa hè làm bãi đỗ (thực tế, nhiều trường hợp cũng không có chỗ nào khác); nhà dân và hàng quán có mặt tiền trên phố; và cuối cùng là do tắc nghẽn, ô tô chiếm hết lòng đường “đẩy” xe máy lên vỉa hè.

Nữ nhà báo Đức Nadine Albach từ nhật báo Westfailsche Rundschau ngày nào cũng đi bộ tới nơi làm việc trong suốt 1 tháng ở Hà Nội, từng nhận xét với tôi rằng, đi bộ hơi nguy hiểm (do hay phải vòng tránh xuống lòng đường) nhưng bù lại ngắm phố phường ở đây rất vui mắt vì dường như mọi sinh hoạt của người dân đều diễn ra trên vỉa hè - một điều hoàn toàn lạ lẫm so với sinh hoạt khép kín của người Âu. Dẫn lại nhận xét của một nhà báo nước ngoài để thấy rằng, vỉa hè và lấn chiếm vỉa hè đã trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống” của nhiều người. Bởi vậy, mặc dù vi phạm, nhưng xóa bỏ cái “văn hóa” lấn chiếm vỉa hè kia hẳn không hề đơn giản. Chưa kể những lúc tắc đường, kẹt xe thì bất cứ khoảng trống nào cũng sẽ bị xe cộ điền đầy, không phân biệt lòng đường hay vỉa hè nữa. Một sự hỗn loạn theo đúng nghĩa!

Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa kêu gọi công chức và người dân thành phố nên đi bộ trong phạm vi 3 km để giảm tắc đường, kẹt xe và tăng cường sức khỏe. Ông Khoa nói : “Ở nước ngoài người ta đi bộ rần rần. Còn người dân thành phố chưa có thói quen này, thậm chí 100 m cũng xách xe đi. Chúng ta nên nghĩ đến việc vận động cán bộ công chức, phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo… đi bộ đi làm, đi học”. Tuy nhiên, cũng cần phải nói lại rằng, có một điểm khác biệt cơ bản giữa ta và họ, đó là dòng người “đi bộ rần rần” đó chủ yếu chui lên từ tàu điện ngầm hoặc đang trên đường xuống ga tàu điện ngầm.

Nói cách khác, văn hóa đi bộ ở nước ngoài được hình thành từ hệ thống giao thông công cộng vận chuyển khối lượng lớn, đặc biệt là tàu điện ngầm (có từ hơn 100 năm qua ở nhiều thành phố lớn như Paris, London, New York…). Có lẽ, đây là một trong những lý do chính vì sao các đô thị ở ta chưa hình thành văn hóa đi bộ. Do vậy, thói quen đi bộ sẽ được hình thành một cách nhanh nhất và tự nhiên nhất một khi TPHCM và Hà Nội xuất hiện tàu điện ngầm. Và khi ấy, đòi hỏi của dòng người “đi bộ rần rần” đó, cùng với luật lệ giao thông dành cho người đi bộ, mới có cơ quét sạch căn bệnh trầm kha lấn chiếm vỉa hè bấy lâu nay.

Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.