TP - Việt Nam đang có nguy cơ bị tấn công bởi đại dịch cúm A/H7N9 đến từ Trung Quốc qua những con gà “bẩn” xâm nhập vào nội địa. Các lực lượng chức năng đã vào cuộc ngăn chặn, truy quét, bắt giữ một số lượng lớn gia cầm nhập lậu.
Phòng ngừa dịch như cứu hỏa
Ông Lý Kim Soi, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lạng Sơn cho biết, ngay từ ngày đầu năm mới, tất cả cán bộ, nhân viên làm việc tại 9 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được phổ biến, cập nhật những thông tin về dịch cúm A/H7N9 cũng như các văn bản chỉ đạo phòng chống của các cấp, các ngành... Trung tâm thực hiện rốt ráo các hoạt động kiểm dịch quốc tế trên các phương tiện vận tải, hàng hóa và người ra, vào lãnh thổ Việt Nam. Hiện tại, đơn vị có 5 máy đo thân nhiệt từ xa bằng camera hồng ngoại, bố trí tại các cửa khẩu: Hữu Nghị, ga quốc tế Đồng Đăng, cửa khẩu Cốc Nam, Tân Thanh. “Chúng tôi tăng cường nhân lực và máy phun khử trùng diện rộng để xử lý môi trường khu vực cửa khẩu. Ở mỗi cửa khẩu còn được trang bị các máy phun khử trùng chạy điện, máy đo thân nhiệt qua tai, trán cũng như hóa chất; các trang thiết bị bảo hộ sẵn sàng khi có tình huống xảy ra. Nhất định không được lơi là trong công việc, coi việc phòng chống dịch bệnh này như cứu hỏa. Trong tuần này, chúng tôi làm việc với Chi cục Kiểm dịch động vật Lạng Sơn nhằm trao đổi thông tin và cùng phối hợp công tác ngăn ngừa”, ông Soi nói.
Ông Chu Nguyên Thạch, Phó chi cục Kiểm dịch động vật Lạng Sơn cho biết, gà, vịt giống Trung Quốc có chiều hướng gia tăng đưa vào nước ta từ một vài tuần nay. Lực lượng kiểm dịch động vật phối hợp với Hải quan, Biên phòng tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, thắt chặt đường biên; tổ chức tiếp nhận và tiêu hủy kịp thời số lượng gia cầm nhập lậu.
Tung nhiều lực lượng ngăn chặn gia cầm “bẩn”
Trước nguy cơ đại dịch cúm A/H7N9 tràn vào Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong tỉnh tăng cường kiểm soát gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu góp phần ngăn chặn dịch cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác xâm nhập vào Việt Nam. UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung chỉ đạo lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn và tăng cường phối hợp giữa các lực lượng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại… kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, kể cả hình thức tặng, cho tại khu vực biên giới, vùng biển và nội địa.
“Dịch cúm A/H7N9 đang hoành hành tại Trung Quốc. Quảng Ninh là tỉnh giáp ranh với tỉnh Quảng Tây, có nhiều cửa khẩu thông thương như Móng Cái, Hoành Mô...là điểm nóng của nạn buôn lậu gà từ Trung Quốc vào nội địa. Nhận biết điều đó, Ban chỉ đạo 389 luôn bám sát chỉ đạo của cấp trên và luôn tổ chức giám sát chặt chẽ tình trạng nhập lậu gà bẩn qua biên giới. Giảm thiểu tối đa nguy cơ bị đại dịch này tấn công”, ông Lê Quang Tùng, Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh nói.
Quảng Ninh cũng yêu cầu lực lượng Biên phòng, Hải quan tổ chức giám sát chặt chẽ khu vực biên giới, cửa khẩu để sớm phát hiện các trường hợp mắc bệnh; triển khai các biện pháp truyền thông cho người xuất, nhập cảnh đi đến vùng có dịch về biện pháp phòng, chống vi rút gia cầm A/H7N9. Đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới, đường mòn, lối mở, khu vực cửa khẩu, các điểm thông quan, kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu ngay từ khu vực biên giới.
Lực lượng Công an, QLTT chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ đẩy mạnh công tác nắm tình hình, làm rõ phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động của các đối tượng; phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y, y tế tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, nhất là các chợ đầu mối, trung tâm thương mại.
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Cục Hải quan tỉnh phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển tăng cường tuần tra trên tuyến biển, đặc biệt là vùng biển Đông Bắc, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. Các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến tất cả tầng lớp nhân dân về tác hại, nguy cơ lây nhiễm của vi rút A/H7N9; vận động nhân dân không bao che, tiếp tay cho các hành vi vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm dịch động vật Lạng Sơn, từ ngày 4/1 đến 18/2, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu Chi Ma đã phát hiện, bắt giữ 2.700 con vịt, gà giống và 200 con chim bồ câu có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong tháng 1/2017, lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn bắt giữ 6 vụ vận chuyển trên 1 vạn con gia cầm giống nhập lậu từ Trung Quốc. Trong đó chỉ xử phạt hành chính được 2 vụ, còn lại là hàng vô chủ, khi thấy lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu đã bỏ chạy.
Yêu cầu toàn hệ thống thú y “gác” dịch cúm A/H7N9
Ngày 20/2, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, trước nguy cơ xâm nhiễm vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút độc lực cao khác (A/H5N2, A/H5N8) từ Trung Quốc vào Việt Nam, toàn bộ lực lượng thú y được huy động để “gác” dịch.
Hiện lực lượng thú y đã chỉ đạo toàn hệ thống, tăng cường tổ chức giám sát; kiểm tra về sự lưu hành của chủng vi rút cúm A/H7N9 nhằm phát hiện sớm các ổ dịch và lưu hành mầm bệnh để xử lý theo quy định.
Theo Cục Thú y, Bộ trưởng NN&PTNT đã yêu cầu dừng mọi hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm ở khu vực biên giới với Trung Quốc, kể cả hàng biếu, tặng của cư dân biên giới.
Ngoài ra, Cục Thú y cử đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống bệnh cúm gia cầm ở các tỉnh biên: Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên và Hà Nội.
Theo Cục Thú y, nguy cơ dịch cúm gia cầm phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Để đảm bảo sự an toàn, Cục Thú y cũng khuyến cáo người tiêu dùng chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm soát thú y để sử dụng làm thực phẩm.
Phạm Anh
Đăng nhận xét