TP - “Chạm đáy” là từ được Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông phụ trách đường sắt đề cập tại hội nghị Tri ân và đối thoại với khách hàng của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) chiều 20/2. Đó là một sự thật chua xót cho một ngành kinh tế trụ cột có bề dày lịch sử hơn 130 năm.
Hội nghị được bắt đầu bằng phát biểu như vậy của ông Đông. Báo cáo của Tổng Cty ĐSVN ngay sau đó cũng cho thấy các chỉ số về sản lượng, doanh thu và lương của 2,8 vạn lao động đều giảm. Và bất ngờ, ngay sau bức tranh màu xám vừa được dựng lên đó là “seri” các tiết mục văn nghệ vui tươi, dài thườn thượt. Nhiều đại biểu sau khi nghe vài bài hát đã ra về vì bận việc, không tham gia vào phần đối thoại quan trọng nhất sau đó.
Sự đi xuống của ngành đường sắt đã được cảnh báo từ nhiều năm nay. Nguyên nhân khách quan như sự hạn chế đầu tư của Nhà nước cho ngành đường sắt, diễn biến quá nhanh của thị trường vận tải, tai nạn, thiên tai lũ lụt… đã được đề cập nhiều. Nhưng tại hội nghị, nguyên nhân chủ quan từ chính nội tại của ngành ĐSVN đã được chỉ ra. Đó là sự chậm đổi mới về tư duy, đặc biệt là tư duy lãnh đạo trong việc thích ứng với thị trường.
Vài năm trở lại đây, dư luận chứng kiến những nỗ lực của ngành đường sắt khi cải tiến hệ thống bán vé, nâng cao ke ga, làm cầu vượt, đưa nhà vệ sinh tự hoại trên tàu, đầu tư một số toa tàu mới, thay đổi cung cách phục vụ…
Nhưng những nỗ lực đó chưa đủ để vực dậy một ngành đã lỡ nhịp. Những nỗ lực đó chưa đủ để át đi những câu lãnh đạo ngành này trong một thời gian dài mê golf hơn gác chắn, đường ray. Việc nhiều quan chức của ĐSVN nhận án tù khi ép đối tác Nhật đưa hối lộ (trong vụ JTC) cũng phần nào cho thấy những “lỗi chủ quan” của ngành này. Dự định bán rẻ các lô đất vàng ngay tại Thủ đô cho đối tác cũng không phù hợp trong bối cảnh công nhân nai lưng để nhận dăm ba triệu mỗi tháng (sự việc này được Thanh tra Chính phủ kết luận là “xem thường lợi ích Nhà nước”). Mới đây, việc nguyên Chủ tịch ĐSVN đổ lỗi cho cấp dưới khi bị khiển trách việc quyết định mua lô tàu cũ của Trung Quốc cũng khiến hàng loạt cán bộ công nhân viên ĐSVN bất bình.
Phía trước tiếp tục là một tương lai không mấy sáng sủa của ĐSVN khi các khoản đầu tư cho ngành này chỉ mới là dự kiến (nhất là khi ngân sách eo hẹp); đường sắt rất khó khăn để cạnh tranh với đường bộ và hàng không. Trong bối cảnh đó, để nhanh chóng tự cứu mình, ĐSVN chỉ còn cách tối ưu hoá nguồn lực hiện có với những con người mới, cách làm mới - như ý kiến của các khách hàng nêu ra tại hội nghị. Để làm được những điều đó cần một quyết tâm cao độ, không tư lợi và tất nhiên không phải những trận golf thời thượng của lãnh đạo hay vài bài ca hời hợt, lạc lõng giữa lúc bàn chuyện căn cơ.
Đăng nhận xét