TP - “Vấn đề ở đây không phải do cơ chế mà là do con người. Tại sao người khác không có mà bà Hồ Thị Kim Thoa lại có? Từ một giám đốc nhà máy lên, khi cổ phần hóa, người ta mua đi bán lại và thu gom. Xoay quanh việc này, cần phải rà soát, xem kẽ hở ở đâu”, ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp nhà nước, trao đổi với Tiền Phong.
Tại sao bà Thoa có mà người khác không có?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa yêu cầu Ủy ban Kiểm tra cùng các bộ ban ngành liên quan thanh, kiểm tra, kết luận những nội dung báo chí đã phản ánh về tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, đồng thời yêu cầu sớm sửa đổi, khắc phục hạn chế trong quản lý, tránh thất thoát tài sản nhà nước… Là người từng theo dõi sát sao việc thực hiện cổ phần hóa trước đây, ông thấy sao về trường hợp của bà thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa?
Trước tiên cần phải khẳng định, tất cả các chủ trương của Đảng, pháp luật nhà nước cũng như sự chỉ đạo của Chính phủ bao giờ cũng đề phòng những chuyện như Tổng Bí thư đề cập. Nghị quyết, cơ chế, tư tưởng chỉ đạo của chúng ta bao giờ cũng nhằm đến cái tốt, nhưng con người cụ thể hành xử vi phạm mới dẫn đến cái sai. Nhân dân nhìn thấy tiêu cực và người ta thấy mất lòng tin.
Vấn đề ở đây không phải do cơ chế mà là do con người. Tài sản đó, tại sao người khác không có mà bà Hồ Thị Kim Thoa lại có? Từ một giám đốc nhà máy lên, khi cổ phần hóa người ta mua đi bán lại và thu gom. Xoay quanh việc này, cần phải rà soát, xem kẽ hở ở đâu.
Chúng ta cần phải chờ xem Bộ Công Thương báo cáo tất cả những vấn đề đó thế nào. Song tôi cho rằng, chắc là cũng đúng quy định hết, vì bà Thoa có lấy tiền của ai đâu?
Nhiều người cũng lo ngại, việc lợi dụng những kẽ hở trong quá trình cổ phần hóa để tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, biến doanh nghiệp nhà nước thành công ty gia đình. Với trường hợp của gia đình bà Thoa tại công ty Điện Quang thì sao thưa ông?
Nghị quyết T.Ư 4 đã nói rồi, không để cổ phần hóa thành tư nhân hóa. Như thế nào là tư nhân hóa? Tại sao cũng có những doanh nghiệp tư nhân rất lớn và người ta có tài sản còn lớn hơn cả bà Thoa? Nếu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa làm ở một doanh nghiệp tư nhân thì có ai ý kiến gì không? Do vậy, bây giờ cần phải xem người ta sai cái gì, sai ở đâu? Bà Thoa từ kế toán lên giám đốc, vậy thì cần phải xem ở đây nó là cái gì, có trái quy định hay không? Cơ quan chức năng chưa kết luận mà chúng ta đã vội nói đúng sai thì không được.“Tổng Bí thư đã giao cho các cơ quan thì cứ để họ làm. Bà Hồ Thị Kim Thoa sai đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó, không ai có thể bênh vực được, chuyện đó rất rõ ràng. Quan điểm của tôi là như thế”, ông Phạm Viết Muôn.
Còn nói về cổ phần hóa thành tư nhân hóa, hay gia đình hóa, tôi ví dụ, bây giờ cổ phần hóa một doanh nghiệp, bản thân anh có tiền thì anh có được quyền mua không? Có tiền nhiều anh mua nhiều, có ít mua ít, đó là quyền của anh. Công ty đó có 20 tỷ đồng, anh đấu giá trên sàn rồi mua được cả, có ai cấm chuyện đó đâu. Cổ phần hóa là chúng ta huy động vốn của nhân dân chứ đừng nói tư nhân.
Cổ phần hóa là rút vốn nhà nước ở những nơi nhà nước không cần tiếp tục nắm giữ, thay vào đó là huy động vốn đầu tư của toàn xã hội vào sản xuất kinh doanh. Công ty Điện Quang cũng vậy, nhà nước rút vốn ra và người dân bỏ tiền vào. Cũng phải nhấn mạnh rằng, công ty cổ phần là công ty đối vốn chứ không phải công ty đối nhân. Bất kể ai là cổ đông cũng đều được, miễn là pháp luật không cấm người đó là cổ đông.
Đấy là tư nhân hay là gì? Bây giờ rất nhiều công ty nhà nước đã thành công ty cổ phần, mà các cổ đông là các cá nhân. Bản thân cổ phần hóa là như thế, từ vốn nhà nước chuyển sang người khác. Tuy nhiên, cái mình muốn tránh ở đây là từ doanh nghiệp nhà nước trở thành doanh nghiệp của một người. Thực tế có hiện tượng như thế, cái đó là không nên.
Doanh nghiệp một chủ dễ nảy sinh tiêu cực
Vì sao không nên và cần phải tránh từ doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp của một người, thưa ông?
Vì công ty cổ phần thì có nhiều cổ đông, ít nhất trong quá trình tồn tại là có ba cổ đông trở lên. Công ty đại chúng cũng quy định phải có bao nhiêu cổ đông trở lên… Tại sao lại quy định như thế? Vì số cổ đông nhiều sẽ công khai minh bạch, rồi quản lý chặt chẽ hơn. Nếu chuyển sang một người là tư nhân, nghĩa là doanh nghiệp một chủ, có thể sẽ thế này thế kia.
Tuy nhiên ngay cả doanh nghiệp một chủ cũng có những chế định pháp luật quy định rõ. Luật Doanh nghiệp có đề cập đến doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp một chủ, tài sản của chủ là tài sản của doanh nghiệp. Ví dụ doanh nghiệp đó là trách nhiệm vô hạn, nếu xảy ra thua lỗ, anh phải lấy tài sản của anh đền, bao giờ hết thì thôi. Doanh nghiệp một chủ không như công ty cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn một thành viên của nhà nước chịu trách nhiệm trong phần vốn của mình.
Khi tôi còn làm, tôi rất không khuyến khích chuyện khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là biến thành doanh nghiệp một chủ, tức là có một ông cổ đông thâu tóm hết. Nhưng nó vẫn có thể xảy ra vì không ai cấm người ta mua cả. Những cái đó lại phải có chế tài như Luật Doanh nghiệp quy định.
Trở lại với trường hợp Công ty Điện Quang, gia đình của bà Thoa chiếm hơn 700 tỷ đồng, và còn nhiều cổ đông khác. Ở doanh nghiệp này có khi còn hàng nghìn cổ đông khác cũng nên. Cái đó không phải là tư nhân hóa. Gia đình nhà bà Thoa, gồm chồng, con, anh, em…nắm bằng này, bằng kia thì cứ đưa ra đối chiếu với luật. Cứ để Ủy ban Kiểm tra T.Ư, cơ quan thanh tra, Bộ Công Thương vào làm cho rõ, rồi đưa ra kết luận. Vì chúng ta không có tài liệu trong tay nên khó nói được điều gì. Bây giờ mình nói thế này, nhưng sau này cơ quan chức năng lại kết luận thế kia thì sao?
Tổng Bí thư đã giao cho các cơ quan thì cứ để họ làm. Bà Hồ Thị Kim Thoa sai đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó, không ai có thể bênh vực được, chuyện đó rất rõ ràng. Quan điểm của tôi là
như thế.
Mặc dù còn hàng trăm cổ đông khác, song các thành viên trong gia đình Thứ trưởng Kim Thoa nắm giữ nhiều vị trí quan trọng. Vậy vấn đề nhân sự ở đây có cần được làm rõ không, thưa ông?
Công tác bổ nhiệm có vi phạm hay không, Luật Doanh nghiệp đã quy định rõ rồi, phải căn cứ vào đó để xem xét. Bây giờ cần phải xem tại sao người ta lại nắm giữ vị trí quản lý đó? Vì công ty cổ phần có quy định như thế nào thì được vào hội đồng quản trị, thế nào thì được làm chủ tịch, như thế nào được làm giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng… Vậy thì cứ căn cứ vào đó để xem người ta có vi phạm hay không?!
Những cá nhân đã vi phạm thì phải bị xử lý. Vi phạm đến đâu xử lý đến đó và phải xử lý nghiêm khắc thì mới trong sạch được, nếu cứ xuê xoa thế này thế khác thì không nên.
Cảm ơn ông.
Không để lợi ích nhóm thao túng cổ phần hóa
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tới đây sẽ giao trách nhiệm cá nhân các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện được lộ trình về sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa DNNN như quyết định đề ra. Bộ, ngành nào, chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn, tổng công ty nào làm chậm, làm thất thoát, tư tưởng không làm theo lộ trình đã phê duyệt thì phải cho nghỉ. Thủ tướng cũng lưu ý, việc cổ phần hóa phải bán đúng giá trị thị trường, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, nhất là vấn đề liên quan đến đất đai. Không để xảy ra tình trạng bán mấy héc ta đất có giá trị rất lớn mà chỉ được vài chục tỷ đồng.
Tại hội nghị này, nhiều ý kiến cũng chỉ ra tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực trong khai thác, chế biến, xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản, trong đầu tư xây dựng cơ bản. Cũng có người thẳng thắn đưa ra cảnh báo về tình trạng làm xấu doanh nghiệp đi để bán giá thấp cho nhóm lợi ích. Cổ phần hóa cũng như bán một cái nhà, trước khi bán cần phải chống thấm, chống dột, chỉnh trang để đẹp hơn và bán được với giá cao nhất. Tuy nhiên, thực tiễn lại có DNNN cố tình “làm cái nhà xấu đi” để bán giá thấp cho nhóm lợi ích.
Thành Nam
Đăng nhận xét