TP - Đi Tủa Chùa không? Tin nhắn của Như Phong khiến như có rôm đốt. Lai Châu, Điện Biên những Bình Lư, Pa Tần, Phong Thổ, Mường Tè, Mường Nhé, Tuần Giáo … đi cả rồi mà bao năm Tủa Chùa vẫn chỉ là cái huyện đi qua bên sườn hoặc để ngóng vọng lên.
Cái năm tít xa đầu những năm bảy mươi, khoa Văn Tổng hợp tổ chức cho sinh viên đi sưu tầm văn hóa dân gian vùng cao dự định một chuyến điền dã thật xa ngái, hoành tráng là đến tận huyện Tủa Chùa tỉnh Lai Châu. Đã ghi tên, đăng ký phiên chế đội hình…
Nhưng có lẽ quá diệu vợi khó khăn nên lần ấy lớp Văn Khóa 17 chúng tôi chỉ đừng lại ở Noong Het huyện Điện Biên, Lai Châu. Thay vì thứ truyền khẩu dân gian của người Mông Tủa Chùa, chúng tôi dần làm quen và ghi lại thứ truyền miệng dân gian của người Thái Điện Biên.
Rồi 2003, Tủa Chùa của Lai Châu của Khu Tự trị Thái Mèo tách ra khỏi Lai Châu về tỉnh Điện Biên. Có giấy mời nhà văn Tô Hoài về dự sự kiện này nhưng đùng cái, một bên chân của ông giở chứng thế là không đi được.
Trước khi ngược Điện Biên, đành có một buổi ngồi chuyện với bậc cao niên để xuýt xoa tiếc chẳng được hầu bậc trưởng lão về coi lại cái nơi mà cụ đương nhắc nhớ cái năm 1952, phóng viên báo Cứu Quốc Tô Hoài từng nhấp rượu ngô, chiêu mèn mén ( bột ngô) với canh thịt chuột ở vùng Mông Tủa Chùa.
Xui cho tôi chuyến ngược tưởng hoành tráng ấy. Do xe cộ trục trặc chỉ đến được Điện Biên Đông. Lại đành nhỡ với Tủa Chùa.
… Ngược Tủa Chùa lần này ngồi bên Như Phong tự dưng thấy thèm giá như mình có cái trí nhớ như hắn. Đành một nhẽ trước khi thành danh, tác giả những văn chương kịch cọt phim hình sự xôm trò, Như Phong từng là anh phóng viên của tờ báo Công an nhân dân tại Tây Bắc.
Như Phong từng cắm chốt dài ngày trên vùng cao Lai Châu trong đó có Tủa Chùa. Như Phong nhớ dai và đương vanh vách Tủa Chùa của Khu tự trị Thái - Mèo được thành lập 1955 do tách từ châu Mường Lay. Tủa Chùa có 8 xã: thì Như Phong đã cuốc bộ đến 5 xã.
Tà Phình (tức Tả Phìn), Lao Sà Phình (Lao Xả Phình), Sìn Phình (Sính Phình), Sin Chai (Sín Chải), Ta Sin Thang (Tả Sìn Thàng). Rồi tháng 12 năm 2003, tỉnh Lai Châu được tách thành hai tỉnh Lai Châu mới và Điện Biên thì huyện Tủa Chùa thuộc tỉnh Điện Biên.
Sín Pình, Sáng Pình? Đã nghe ở đâu rồi nhỉ? À thì ra đâu như năm 1987 Như Phong có cái ký Mỏ cá Sín Pình trên báo Văn Nghệ được giải.
Tủa Chùa đây ư? Đâu rồi những mái gianh của người Mông thèo đảnh thấp thoáng lô nhô những hòn đá bồ côi trên ngoặc phơi những tà áo váy Mèo hoa văn sặc sỡ trong câu chuyện năm nào của nhà văn Tô Hoài?
Huyện lỵ Tủa Chùa nay đã thành thị trấn với kiểu xây cất bày biện hao hao na ná như một thị tứ của vùng xuôi Thái Bình Nam Định? Vo vo bánh xe lăn theo một đơn vị của thuộc ngành Dầu khí về phát quà Tết cho bản Tả Sìn Thàng. Đường quá tốt đâu còn cảnh cuốc bộ như cái năm nào của Như Phong.
Trụ sở UB Tả Sìn Thàng xây cất chả kém cạnh xã tầm tầm ở vùng xuôi. Cô thư ký UB người thon gọn má hồng chả biết có phải son phấn không vừa thoáng nhanh cái nhìn chả mấy tò mò về phía khách xuôi ý chừng đám khách mới đến với kiểu ăn vận cùng lỉnh kỉnh máy ảnh kia là nhà báo vốn chả xa lạ gì với dân trên này?
Lạ cái đường xá thênh thang, nhà cửa xây cất đâu phải xập xệ tạm bợ thế mà Tủa Chùa nghèo. Phải nói là nghèo quá. Đói hay đứt bữa thì chẳng rõ. Chiều muộn ngồi với Lê Thanh Bình, người quê Thái Bình, chủ tịch Tủa Chùa. Chả muốn biên vào sổ những con số buồn. Đại để bình quân nguồn thu tất tật của Tủa Chùa là 12 tỷ đồng nhưng các thứ phải chi là hơn 400 tỷ đồng! Có đến gần 46% hộ nghèo…
Như Phong ngược Tủa Chùa lần này hình như chả phải tình cờ? Một nhân vật nữa trên xe là nhà báo trẻ Nguyễn Bảo Sơn, con trai Như Phong. Sơn tốt nghiệp báo chí bên Cu Ba mới về làm báo trong nước. Sơn nửa chơi nửa đi thực tế theo bố ngược Tủa Chùa.
Như Phong đương tìm một người quen. Phải hỏi thăm rồi nhờ cả anh em bên công an thị trấn tìm mới ra nhà.
Ngôi nhà xây cất khá khang trang so với một thị trấn vùng cao. Chủ nhân là ông Sùng A Vang. Cuộc gặp vỡ òa ra những âm thanh ngạc nhiên, vui vẻ.
Ở tuổi bát tuần ngó ông Sùng A Vang trẻ hơn nhiều so với tuổi. Câu chuyện dần dà được chắp nối là thế này. Năm 1983, phóng viên báo Văn Nghệ nhà văn Hoài An có chuyến thực tế Tủa Chùa. Thời ấy đâu chớp nhoáng vài ngày mà ngược lên vùng cao phải cả tháng. Tiếng là huyện lỵ, là trung tâm, nhưngTủa Chùa khi ấy đâu đã có thị trấn mà nơi ăn ở còn sơ sài, tạm bợ.
Chủ tịch huyện Sùng A Vang kéo nhà văn Hoài An về ăn ở sinh hoạt tại nhà mình và cho người dẫn đi hầu hết các bản để thực tế. Không biết những câu chuyện cùng cung cách ăn ở giao tiếp giữa chủ và khách thế nào mà mối thiện cảm đã nảy nở sâu đậm giữa nhà văn và ông chủ tịch huyện. Sau chuyến đi ấy, ông chủ tịch huyện Sùng A Vang sau này với cương vị mới là Chủ tịch tỉnh Lai Châu cứ mỗi dịp xuôi họp hành lại ghé nhà văn Hoài An ở Hà Nội.
Chuyện chưa hết. Sau chuyến đi dài ngày về Tủa Chùa, Hoài An đã có cái ký tràn 2 trang trên Văn Nghệ với cái tít Tủa Chùa miền đất lạ.
Biết nói thế nào nhỉ? Có thể là hồi ấy báo chí hơi bị hiếm? Hiếm là đầu báo thôi chứ số lượng phát hành cũng chả kém cạnh bây giờ. Như tờ Văn Nghệ ngược lên vùng cao càng hiếm. Tờ báo có cái ký Tủa Chùa miền đất lạ đã đến được với Tủa Chùa. Và không biết được bao nhiêu tờ nhưng đã được truyền tay nhau khắp huyện.
Nên bây giờ, một cảm giác sững sờ ngạc nhiên và cũng có xen lẫn chút ghen tỵ khi tôi chứng kiến, ở cái tuổi quá bát tuần một ông già người Mông dĩ nhiên từng kinh qua chức chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh, ông Sùng A Vang đang lúc cao hứng đọc, vâng đọc theo trí nhớ vanh vách mấy trích đoạn trong bài ký cách nay hơn 30 năm trước của nhà văn Hoài An.
Nhà văn Hoài An mất đã lâu. Tôi thoáng nhớ đến một Hoài An có sừng có mỏ trong làng viết lách Hà thành. Còn nhớ thời ấy có lệnh cấm nấu rượu. Mà viết mà khuyến khích chuyện nấu rượu lại càng chuế! Tôi may mắn được tham dự vào chuyến đi thực tế của cánh nhà báo Trung ương do ông Mai Thúc Lân, Chủ tịch Hà Bắc đích thân mời.
Sau chuyến đi còn đang lử lả vì thứ rượu chưng cất bằng sắn thì nhà văn Hoài An đã tung ra bài ký Củ sắn và con lợn ở làng Đại Lâm. Bài ký đại để nói về chu trình khép kín sắn- lợn. Đại để sắn xắt lát phơi cho hoai hoai rồi xôi, nấu lên trộn men ủ thành thứ cơm rượu sắn. Thứ cơm rượu ấy nếu không pha phách với rau cỏ bèo cám làm thức ăn cho lợn thì đem cất lên.
Nấu cất hệt như nấu rượu gạo vậy để ra được thứ rượu tờ tợ như rượu Vân chính hiệu. Mà rượu Vân khi đó là thứ hàng hóa rất có giá. Ngoài rượu ra, bỗng rượu hay bã rượu là thứ thức ăn tuyệt cú mèo kích thích lợn mau lớn. Đơn giản vậy thôi nhưng từ kinh nghiệm mô hình nói đúng hơn từ điển hình của dân làng Đại Lâm đã loang nhanh khắp mấy huyện miền rừng Hà Bắc khiến phong trào chăn nuôi khởi sắc hẳn lên cái thời bao cấp ấy.
Báo phát hành. Và dân rất chịu khó đọc báo. Thế là ầm lên bao ý kiến. Tổng biên tập Văn Nghệ, nhà văn Nguyễn Văn Bổng, tác giả Con trâu nổi tiếng tái mặt khi nhận được công văn của trên rằng tờ báo đang khuyến khích chăn nuôi cá thể phát triển tư bản và tệ hơn cổ vũ cho chuyện nấu rượu lậu. Nhà văn Hoài An cười an ủi rằng cứ yên tâm. Ông lọ mọ lên lại Hà Bắc, nói khéo với ông chủ tịch Mai Thúc Lân sao đó… Chuyện sau đó tự dưng êm.
Một Hoài An thư ký công đoàn Báo Văn Nghệ chu tất. Cận tết nọ, như nhiều cơ quan khác báo Văn Nghệ cũng xin mua rẻ được con lợn về thịt Tết cho anh em. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng sắp cưới vợ cho con, khẩn khoản xin được quy suất thịt ra cái thủ lợn bởi thủ lợn sắm vài món cũng tiện. Khi chia thịt không thấy xuất ông Bổng, Hoài An hỏi biết được cáu lên, tận tình đem tận nhà ông Bổng suất thịt tiêu chuẩn. Còn cái thủ lợn nói là công đoàn cơ quan mừng đám cưới cháu!
Trở lại bài ký của nhà văn Hoài An. Lâu quá tôi cũng bẵng đi nhưng đại khái chuyện về vùng đất lạ xa ngái Tủa Chùa, Hoài An tả khá bắt mắt. Nào những rặng chè cổ thụ Shan Tuyết khô khẳng trong sương giá tưởng cây đã chết bỗng gặp mưa xuân bật lên những chồi tơ như nhung. Những rặng rừng đào phai bông kép. Rồi sản vật mật ong, thịt thú rừng... Một Tủa Chùa giàu sản vật tiềm năng chỉ đợi người có tâm đến khai phá!
Cái ngày anh phóng viên trẻ Nguyễn Như Phong lần đầu đặt chân đến Tủa Chùa, ông Chủ tịch Vàng A Sáng chẳng biết vô tình hay hữu ý dẫn Phong sang chơi phòng giáo dục. Ông nhiệt thành giới thiệu với mấy cô giáo quê ở dưới xuôi không quên nói đây là con trai của tác giả Tủa Chùa miền đất lạ…
Tất nhiên chàng phóng viên trẻ nhận được thái độ mến mộ nhưng trong câu chuyện sau đó trở nên thân mật, Như Phong bật ngửa khi một cô giáo nửa thật nửa đùa rằng là do đọc bài báo của ông bố anh bọn em mê quá… Tốt nghiệp xong 7+3 xung phong ngay lên Tây Bắc nếu đến được vùng cao Tủa Chùa thì càng hay!
Chứng kiến chỗ ăn nơi ở tạm bợ tuềnh toàng. Chế độ chính sách đối với giáo viên vùng cao còn nhiều thứ thua thiệt… anh phóng viên trẻ Như Phong đâm đắng lòng khi một cô thổ lộ thật lòng hay là anh nói với trên cho bọn em xin chuyển về xuôi với…
… Thời thế bây chừ may mà khác rồi. Lứa giáo viên dưới xuôi ngày ấy nay đã nhà cửa ấm chỗ ngoài thị trấn cả rồi.... Chất giọng ông chủ tịch Sùng A Vang ầm vang trong câu chuyện hàn huyên. Ông cựu chủ tịch huyện, cựu chủ tịch tỉnh Sùng A Vang thích thú chuyện trò rất bình đẳng với nhà báo trẻ, con trai Như Phong, cháu nội nhà văn Hoài An. Ông cười vui già cả rồi có con có cháu nối dõi cả rồi. Rằng hiếm có khi ba cha con ông cháu từng đặt chân đến Tủa Chùa… Ông khoe có con trai đang làm cán bộ thanh tra ngoài Điện Biên.
Ba cha con ông cháu nhà Như Phong. Rồi cha con ông Sùng nữa chứ. Hai, ba thế hệ mỗi người đến với Tủa Chùa đã đang và sẽ yêu Tủa Chùa, yêu Điện Biên yêu mạn ngược theo cái cách của mình để Tủa Chùa không còn là miền đất lạ nữa?
Hớp rượu ngô người Mông Tủa Chùa như nồng nàn thêm trong đêm lạnh.
Đăng nhận xét