TP - Năm nay, lễ hội Ná Nhèm thắng lớn. Ít người biết đằng sau việc tổ chức lễ hội nổi tiếng này có rất nhiều chuyện hấp dẫn. Có cả chuyện về chiếc tàng thinh “trên gửi về” và ý định làm tàng thinh cao su.

Các bà Then múa quạt và rung chuông đuổi tà ma, hộ tống đoàn quân đánh trận. Ảnh: Ngọc AnCác bà Then múa quạt và rung chuông đuổi tà ma, hộ tống đoàn quân đánh trận. Ảnh: Ngọc An

Năm 2012, lễ hội Ná Nhèm lần đầu tiên được phục dựng sau 50 năm thất truyền, chỉ có người trong huyện đến xem. Thuyết phục mãi dân mới quay 6 con lợn, hầu hết khách ra về bụng đói meo.

Sau 5 năm, rằm tháng Giêng vừa qua có tới gần 3 vạn lượt khách đến chơi hội. Năm nay, tổng số lợn quay lên mâm không tính xuể. Chỉ biết rằng người đi hội thường hẹn gặp nhau ở “cánh đồng lợn quay”. Một số lượng lớn đặc sản khác như rượu ngô men lá, thắng cố, bánh chưng đen… được biển người hâm mộ Ná Nhèm (làng Mỏ, xã Trấn Yên, Bắc Sơn (Lạng Sơn) tiêu thụ hết veo.

Th.s Bàn Tuấn Năng, nhà nghiên cứu, phục dựng lễ hội Ná Nhèm  (tiếng Tày nghĩa là mặt nhọ) 6 năm qua chia sẻ ấn tượng lần đầu về làng Mỏ là đình và miếu xiêu vẹo đổ nát, dân rất nghèo. Từ năm 1963 trở về trước, rằm tháng Giêng ba năm một lần nơi đây diễn ra lễ hội độc đáo và táo bạo, hé lộ câu chuyện lịch sử lạ lùng. (TPCN đã đưa thông tin). Mỗi mùa lễ hội Ná Nhèm, làng huy động 150 trai đinh bôi mặt nhọ  rước lễ vật (trong đó có tàng thinh mặt nguyệt-sinh thực khí nam nữ) cúng vua (Mạc tổ), diễn tục hèm đánh đại đao, cầu cho mùa màng bội thu, làng nước yên vui, duy trì nòi giống dòng họ.

Quyền lực của các ông lềnh

Việc tuyển chọn nhân lực tham gia thuộc trách nhiệm của 4 ông lềnh  (người đảm nhiệm việc tang ma và lễ hội trong làng).

Khó nhất với các lềnh là việc chọn 4 vai tưởng (trai tân hỗ trợ đèn nhang trong nghi lễ), ông Mo ông Hội (người làm lễ cúng) 4 vai ông tướng đội đánh đao, nhóm rước kiệu long ngai bài vị và lễ vật. Những người này phải thuộc gia đình trong năm không có tang, không có người ở cữ. Ngoài chuyện kiêng sinh hoạt nam nữ trước 1 tháng, 4 vai tưởng phải nhịn cưới vợ trong cả năm sau hội. Trai làng thường chối đây đẩy khi được gọi vào vai phụ lễ đèn nhang.

Tuy nhiên, nếu thiếu người, các lềnh chọn ra danh sách người đủ điều kiện rồi ra đình gieo quẻ. Được quẻ, lềnh chỉ định đích thị, thanh niên đó dù đang làm công ty ở thành phố cũng phải về nhận vai. “Nếu không chịu về, từ nay việc ma chay của gia đình anh ta sẽ không được các lềnh lo cho nữa”.  Phần nghi lễ cúng tế ở Ná Nhèm rất cầu kỳ, đòi hỏi sự chấp hành kỹ lưỡng. Mấy năm nay từng có chuyện  người tham gia vai quan trọng do không giữ gìn sau đó bị loạn thần hoặc mắc bệnh nặng. Tin dữ đồn thổi khiến các lềnh gặp không ít khó khăn.

Cái tàng thinh “nhiều chuyện”

Bị dư luận phê phán màn rước tàng thinh “khủng” ở lễ hội Ná Nhèm năm trước, một vài bậc cao niên làng Mỏ (Xã Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn) có chút nản chí. Ông Hoàng Văn Cứng - thợ mộc, tác giả của tàng thinh “khủng”giống như thật, màu hồng năm 2016 vì áp lực đã từ chối làm lễ vật cho 2017. Năm nay, đặt hàng thợ mộc huyện Bắc Sơn các lềnh  thống nhất tàng thinh, mặt nguyệt vẫn là lễ vật nổi bật của màn rước. Có điều năm nay thu bớt kích thước từ 1,4 m còn 1,2 m, trọng lượng từ 80kg còn 60kg.  Bỏ màu hồng cho khỏi mang tiếng “bắt chước Nhật”.

Giải mã Ná Nhèm: Quyền lực ông lềnh và tàng thinh 'nhiều chuyện' ảnh 1

 Tàng thinh trắng “lạ mắt” khiêm tốn đứng trong nhà văn hóa xã.

Trước hội 3 ngày, trong làng như có lửa đốt vì  Sở Văn hóa Tỉnh Lạng Sơn bỗng gửi về một cái tàng thinh trắng toát. Các lềnh đồng loạt phản đối vì “nó không giống tàng thinh quen thuộc của làng ”, “trông giống cái búa hay cái đầm đất ấy”. Có người nói “chúng tôi không cúng cái này đâu, mà đã không cúng thì không ai dám rước đâu”. Vật thể trắng “lạ lẫm” được cất vào trong nhà văn hóa xã. Một số người tò mò ghé mắt nhìn phát hiện đó chính là phiên bản  linga của người Chăm đặt ngoài trời tại một bảo tàng ở Hà Nội . Suýt nữa lại bị dư luận kết tội “mẫu mã tiếp tục bắt chước”. Lềnh trường Hoàng Minh Chuẩn cho rằng, tàng thinh phải tự nhiên, nhìn cái người ta nhận ra ngay mới đúng.

Tối muộn 14 âm lịch, các lềnh có cuộc họp cuối cùng thống nhất cách rước vào sáng hôm sau. Lềnh trưởng vì lý do “an toàn ” đã đưa ra sáng kiến phủ lên tàng thinh một lớp vài tuyn màu hồng. Ông Hoàng Văn Chẩn, bí thư xã Trấn Yên, sau kết thúc hội mới tiết lộ “Tàng thinh chỉ được đậy trên đường rước thôi, đến cửa miếu phải để lộ thiên thì vua mới nhận được”. Cứ tưởng dân selfie len lén tốc lớp tuyn ra để chụp hình cho sướng hóa ra nằm trong ý đồ của các cụ.

Ngay trong hội, nhiều du khách tỏ ý chê tàng thinh năm nay thiếu ấn tượng hơn năm ngoái. Sau hội, bí thư xã đi ăn cưới tại huyện Bắc Sơn mang tin kém vui về làng “cả cán bộ lẫn dân thường đều chê tàng thinh năm nay xỉn màu, xấu hơn năm ngoái”. Lềnh phó Hoàng Văn Nhờ bảo “Sang năm làm bằng cao su cho khỏe. Dư luận thích nhỏ thì để nhỏ, thích to thì bơm cho to”.

Điều thú vị là không ai biết trước được phiên bản tàng thinh năm tới sẽ thế nào. Sang năm làng lại bầu nhóm lềnh mới, biết đâu họ lại có lựa chọn bất ngờ táo bạo khác.

Tiền ít vẫn đẹp, vẫn vui

Tại sân đình có dãy nhà sàn tre, mái rạ mới toanh và cực kỳ ăn ảnh. Mỗi căn là hội sở của một làng thuộc Trấn Yên. Huyện cho mỗi xã có 2 triệu nguyên vật liệu, người dân bỏ công dựng trong 3 ngày. Tưởng là nhà trang trí thế mà thanh niên cả xã tụ họp nô đùa rầm rập vẫn đứng vững. Dãy nhà sẽ còn bền đẹp cho đến ngày hội tháng 3 tới. Rẻ không ngờ.

Dàn trai đinh mặt nhọ tập luyện đánh đao, diễn trò chỉ được nuôi ăn, hôm chính hội được phát 50 nghìn thù lao vẫn trình diễn tưng bừng. Bốn ông tướng phải kiêng khem hà khắc, nhận thù lao “khủng” nhất hội chỉ là 400 nghìn đồng/ người.

Giải mã Ná Nhèm: Quyền lực ông lềnh và tàng thinh 'nhiều chuyện' ảnh 2

Lềnh trưởng Hoàng Minh Chuẩn (bìa phải) và lềnh phó Hoàng Văn Nhờ trong cuộc họp bàn trước lễ hội.

Rút kinh nghiệm mấy năm trước “cháy hàng ăn” năm nay UBND xã thuê bao cả cánh đồng đủ cho không gian hội và ẩm thực. Các nhà hàng quán ăn có tiếng từ các huyện lân cận được mời đến phục vụ. Ngoài đặc sản địa phương như lợn quay, thắng cố, bánh chưng đen, bánh bí rán …cho khách phương xa, tại đây có cả món ngon thành phố như phở bò, bún chả cho dân làng bản thưởng thức. Tiền thuê  200 nghìn đồng mỗi quán được gom lại để trang trải việc vệ sinh lễ hội.

Ông Bàn Tuấn Năng vui vẻ nhớ lại những “lộn xộn tất yếu của một hội làng”. Rất nhiều tình huống xảy ra ngoài sự kiểm soát của ban tổ chức và các lềnh. Có 8 thanh niên được chọn rước kiệu (mới thửa năm nay) nhưng do đêm 14 họ uống say quá sáng hôm sau không thể dậy. Các lềnh phải nịnh mãi, mới gọi được bốn người. Cuối cùng đành phải để họ rước kiệu cũ nhẹ hơn.

Ban tổ chức mời một số gia đình trong làng lên đặt làm cơm cho khách mời. Thỏa thuận giá 80 nghìn đồng/1 suất, tính ra mỗi nhà sẽ kiếm được 2,5 triệu. Ngay sau đó họ thông báo từ chối gói thầu vì “cả nhà đi chơi hội, chả ai chịu nấu cả”. Ở dưới xuôi, mà “xù” hợp đồng thế thì cãi nhau to, ở đây xã chỉ biết cười rồi tự ứng cứu.

Màn hỏi đáp vui của ông tướng với các cụ trong miếu lúc nhận lễ vật tàng thinh mặt nguyệt không năm nào đúng theo kịch bản. Đúng lúc biển người lắng tai nghe thì họ ngẫu hứng nói chệch đi, sai lung tung hoặc người dịch tiếng Kinh không theo kịp người nói tiếng Tày. Cả khách lẫn chủ đều vui vẻ thể tất. Thực ra khán giả đều muốn màn thoại kết thúc nhanh để ùa tới chỗ tàng thinh, tốc màn che, hớn hở sờ mó và chụp hình như vỡ trận.
Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.