TP - Bài thơ “Tre Việt Nam” nổi tiếng nằm trong chùm 4 bài của nhà thơ Nguyễn Duy được nhận giải nhất cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ năm 1972-1973, đã được đưa vào chương trình phổ thông tiểu học, nay được phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa dựng bia đặt tại khuôn viên của UBND phường, cách từ đường của gia đình Nguyễn Duy vài trăm mét.
Chiều ngày 16 tháng Giêng (12/2/2017), UBND phường Đông Vệ đã tiến hành lễ cắt băng khánh thành tấm bia đề thơ theo cách thật giản dị, trang trọng. Có cán bộ, dân làng cùng các khách văn các nơi về dự. Có lời phát biểu tôn vinh của đại diện chính quyền địa phương. Có lời tri ân của nhà thơ. Có phần đọc thơ của một học sinh trường chuyên Lam Sơn. Có phần ngâm thơ của NSND Thanh Hoài, và lời phát biểu của nhà nghiên cứu phê bình Chu Văn Sơn. Buổi lễ khánh thành là hoạt động mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 150 năm đình làng Đông Vệ, ngôi làng có tên Nôm là Quảng Xá, nơi có nghề nấu rượu nổi tiếng (Ai qua Thanh Hóa về Quảng Xá/men rượu là hương vị của làng tôi…).
Cái cách tôn vinh nghệ sĩ bằng việc khắc thơ trên đá như quê hương Nguyễn Duy vừa làm quả là chưa từng có. Ở đâu đó, họ tôn vinh các nhà thơ bằng các hoạt động như tổ chức đêm thơ, tổ chức tọa đàm, hội thảo, bằng cách “Mạnh Thường quân”… Việc chọn cả một bài thơ để khắc tạc dựng bia, mà lại dựng ngay trong khuôn viên công sở, thì quả là đặc biệt. Những cán bộ hành chính phường đã đối đãi với thơ ca nói chung và với nhà thơ Nguyễn Duy nói riêng theo cách của họ. Thật thú vị, khi các cán bộ nơi đây đã cất công lên tận Hà Trung, quê ngoại của nhà thơ Nguyễn Duy tìm chọn được phiến đá ưng ý. Đây là phiến đá cẩm thạch, màu xanh, hình búp măng, cao 2.4m; rộng 1,1m; nặng 1,7 tấn. Trên phiến đá là cả bài thơ được khắc theo thủ bút của nhà thơ Nguyễn Duy, phủ nhũ vàng. Phiến đá đề thơ được dựng dưới bóng của một bụi tre xanh đang “Vươn mình trong gió tre đu/Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành”. Những cán bộ phường đã thực hiện một cuộc chơi thơ đẹp, công phu và độc đáo. Từ nay, các cán bộ, bà con nhân dân của phường mỗi khi đến công sở làm việc, có thể nhìn ngắm bức thơ trên đá này trước khi bước vào công việc, chắc lòng cũng cảm thấy nhẹ nhõm đôi phần. Những khách thập phương nếu có dịp ghé qua, có thể xem đây là chỗ dừng chân để mà nhìn ngắm.
Buổi lễ khánh thành bia thơ đã kết thúc, tôi nán lại đọc lại bài thơ vốn đã thuộc lòng, lạ quá, thấy câu lục/bát cuối “mai sau/mai sau/mai sau//đất xanh che mãi xanh màu tre xanh” (chữ “mai sau” được viết xuống dòng thành ba dòng liên tục) bị thiếu khuyết. Ban đầu cứ tưởng những người dựng bia đề thơ để sót. Sau đem băn khoăn hỏi lại nhà thơ Nguyễn Duy, mới được biết là nhà thơ đã chủ động cắt bỏ. Ông bảo: “Khi nhận được thông tin phiến đá với kích cỡ như vậy, mà bài thơ thì hơi dài, nên bỏ bớt hai câu ấy đi”. Thấy mấy anh em chúng tôi còn chưa tỏ, nhà thơ lại phân bua: “Bản thảo ban đầu kết thúc bài thơ chỉ dừng ở câu “Năm qua đi tháng qua đi/tre già măng mọc có gì lạ đâu”, nhưng khi đem gửi dự thi, lại viết thêm hai câu cho nó hợp lúc ấy. Bây giờ thấy không cần nữa, nên cắt bỏ. Với lại hai câu ấy lãng mạn quá, mà bây giờ thì đâu có được như vậy…”. Nói xong ông cười sung sướng tỏ ý hài lòng về cách trả lời của mình. Chúng tôi im lặng không nói gì. Khi chỉ còn lại riêng mấy người, tôi quay sang xin ý kiến của nhà NCPB Chu Văn Sơn, người có bài viết “Nguyễn Duy, thi sĩ thảo dân” nổi tiếng, ông cho hay: “Người ta mấy chục năm nay nghe bài thơ trong dạng đầy đủ đã quen rồi, nay nghe thiếu hai câu cuối, thấy có cái gì đó hụt hẫng. Vả lại, đây không phải là cái nhìn lãng mạn hay không lãng mạn, mà nó nói về sức sống muôn đời không chỉ của tre, mà của tinh thần Việt, của dân tộc Việt. Tôi thấy tiếc!”.
Tôi, người viết bài này tra lại trong quyển “Nguyễn Duy, thơ” (NXB Hội nhà văn-Nhã Nam), một tuyển thơ bề thế, đẹp, in năm 2010, thấy bài thơ vẫn còn nguyên hai câu thơ như đã tồn tại quen thuộc lâu nay.
Việc một số nhà thơ tự cắt/sửa thơ của mình trong mỗi lần tái bản đôi khi vẫn xảy ra. Nhưng một bài thơ đã được chính thức đưa vào chương trình phổ thông để con em nhiều thế hệ học tập, thì ngay chính tác giả của nó cũng nên thận trọng trong việc cắt/sửa. Vả lại, không chỉ có vậy. Liệu việc cắt/sửa ấy có phải bao giờ cũng mang lại chất lượng tư tưởng - thẩm mỹ cao hơn bản in trước đó hay không?
Riêng tôi, cho dù cố gắng mấy đi chăng nữa, cũng không sao quen được bài “Tre Việt Nam” không có hai câu cuối. Cứ như thể bị…phụ tình vậy!
Đăng nhận xét