TP - Ngày nay, gặp nhau, câu cửa miệng của nhiều phụ huynh là: “Ôi nó lớn rồi, không chơi với bố mẹ, cũng cấm có chia sẻ chuyện gì”. Không làm bạn được với con, không hiểu con đang nghĩ gì, đối mặt với vấn đề gì trong học tập, quan hệ với bạn bè, thầy cô giáo… là nỗi trăn trở lớn của nhiều phụ huynh. Điều này không phải không có căn nguyên.
Năm 2015, một nam sinh ở ngôi trường chuyên khá nổi tiếng ở Hà Nội nhảy lầu tự tử trước sự ngỡ ngàng, đau xót của bạn bè, người thân. Sau cái chết của nam sinh, nhiều lời đồn đoán về nguyên nhân dẫn đến vụ việc như: bị stress vì sức ép học tập, ức chế vì bạn bè cô lập, có nhiều ấm ức trước đó không biết chia sẻ với ai… Tuy nhiên, khi người đã chết, không còn ai có thể biết được nguyên nhân đích thực của vụ việc là gì. Chỉ biết trong đám tang của em, nhiều giọt nước mắt đã rơi với bao tiếc nuối: “giá như”…
Cách đây chưa lâu, phụ huynh một học sinh lớp 8 ở Yên Bái phát hiện con treo cổ tự tử trong nhà. Nguyên nhân có thể do trước đó bị bạn bè bạo hành, làm nhục trên đường đi học về khiến em uất ức, không biết chia sẻ với ai.
Gần đây, một số trường có phòng tư vấn tâm lý. Phòng là một góc kín đáo nào đó trong trường. Ở đó có tài liệu về giới, có chuyên gia, thậm chí có trường còn đặt cả bao cao su kín đáo ở một góc phòng. Cũng từ phòng này, chuyên gia đào xới ra nhiều chuyện lâu nay học sinh chỉ âm thầm chịu đựng. Một nữ sinh bị lạm dụng tình dục kéo dài hơn một năm trời bởi chính người thân mà không biết kêu ai. Một học sinh ngoan ngoãn, học giỏi của một trường dân lập khá nổi tiếng ở Hà Nội sau một trận đòn của bố bỗng trở nên lầm lì, chán nản, hung hăng, sẵn sàng gây sự với bất kỳ ai và căm ghét bố mẹ. Có phụ huynh ngã ngửa khi biết con mình từng có ý định quyên sinh chỉ vì điểm kém. Cô bạn bàn bên lên kế hoạch trả thù người yêu vì anh này “bắt cá hai tay”…
Chỉ khi trò chuyện với chuyên gia tư vấn tâm lý các em mới bộc bạch được căn nguyên câu chuyện. Cũng nhờ có cán bộ tham vấn, nhiều phụ huynh mới vỡ lẽ ra, dạy con không chỉ nên áp đặt, đòn roi hay kỳ vọng quá nhiều.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, từng nói: “Học sinh mới lớn thường muốn khẳng định cá tính của mình trong khi các em chưa định hình được hết mọi giá trị đúng, sai. Vì thế, người giáo viên hay cán bộ tâm lý phải thực sự tâm lý tìm đến làm bạn, làm chuyên gia của các em”.
Lâu nay, ngành giáo dục tổ chức nhiều hội thảo để bàn làm thế nào thành lập, hoạt động hiệu quả mô hình này trong trường học. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có rất ít địa phương triển khai được một số mô hình như: TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… Riêng Hà Nội, nơi có gần 1.000 trường THCS, THPT trong những năm tới có vẻ sẽ quyết tâm phủ sóng mô hình ra các trường. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một trường THCS, vấn đề đầu tiên phải là “tiền đâu”, sau đó lại nghĩ đến chuyện tìm được cán bộ ưng ý vì lâu nay không có vị trí, chức danh nên ít có chuyên gia cho việc này.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng từng chia sẻ nỗi khổ của giáo viên chủ nhiệm khi họ phải gánh đủ việc còn phải kiêm nhiệm chuyên gia tâm lý mà chỉ được trừ 4 tiết dạy học. Theo bà Nghĩa, vấn đề ngành giáo dục gặp khó là chưa có biên chế cho vị trí công việc này trong nhà trường.
Đăng nhận xét