TP - Trước lệnh điều chuyển hàng trăm nốt xe từ Mỹ Đình sang bến Nước Ngầm của TP Hà Nội, nhiều doanh nghiệp vận tải ở 6 tỉnh lo lắng trước nguy cơ phá sản.
Liên quan sự việc hàng loạt tài xế, chủ xe đình công từ chối phục vụ khách ở bến Mỹ Đình, chiều 31/12, Sở GTVT Hà Nội tổ chức buổi đối thoại với 25 doanh nghiệp ở 6 tỉnh chạy tuyến Mỹ Đình đi Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình...
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Ninh Bình, đề xuất được đối thoại với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung thay vì đến họp chỉ nhận thông báo về kế hoạch điều chuyển 425 nốt xe rời bến Mỹ Đình.
Việc điều chuyển khiến khoảng 10.000 lao động vận tải của địa phương không yên tâm làm ăn, sống trong lo lắng. Hầu hết các doanh nghiệp đều thế chấp sổ đỏ, tài sản để vay mượn ngân hàng đầu tư kinh doanh.
Trước đó, liên Sở GTVT tỉnh Ninh Bình, Hà Nội vận động các doanh nghiệp vào hoạt động ở bến Mỹ Đình, nhưng sau thời gian khó khăn, bắt đầu hoạt động ổn định thì điều chuyển sang bến mới. Trong khi đó, kế hoạch điều chuyển thông báo quá gấp.
Bà Nga cho rằng, việc điều chỉnh này khiến 50 nốt xe tuyến Mỹ Đình - Ninh Bình đứng trước nguy cơ phá sản. Bà lý giải, hành khách có nhu cầu đi tới khu vực Cầu Giấy, Từ Liêm nhưng chỉ được phục vụ tới Nước Ngầm, phải bỏ thêm tiền đi xe khác.
Trong khi đó, hàng trăm bến cóc, xe dù đón trả khách ở nhiều phường, các điểm bệnh viện, trường học đi xuyên tâm thành phố không bị xử lý. “Hành khách sẽ chọn xe dù đi vì chỉ mất tiền mua vé 1 lần, không phải đón xe buýt, xe ôm nữa, thay vì đi xe có nốt cố định”, bà nói.
Đồng quan điểm với bà Nga, ông Trần Hữu Quảng, Giám đốc Cty Vận tải Hà Sơn Hải (tuyến Thanh Hoá - Mỹ Đình), cho rằng, nguyên nhân ùn tắc không phải chỉ do xe khách. Riêng tuyến Mỹ Đình - Thanh Hoá có 62 nốt/ngày hoạt động theo quy định của pháp luật, trong khi xe dù có 130 chiếc chạy xuyên tâm.
“Bến Nước Ngầm từ bãi gửi xe thành bến tạm, dịch vụ đắt gấp 5-6 lần các bến khác. Liệu nơi đây có đủ diện tích, khả năng cho số lượng lớn doanh nghiệp kinh doanh vận tải? Sau này, chúng tôi còn phải chuyển đi đâu?”, ông đặt ra câu hỏi trực tiếp với Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.
Không có lợi ích nhóm
Trước những thắc mắc của 25 doanh nghiệp, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Hà Nội thực hiện đồng bộ các giải pháp để chống ùn tắc, trong đó có việc tổ chức giao thông, luồng tuyến tại các bến xe.
“Hà Nội phải rà soát, sắp xếp hợp lý các luồng tuyến, giảm áp lực cho tuyến vành đai 3 và các tuyến đường nội đô. Về phương án điều chuyển xe, Sở chịu trách nhiệm trước thành phố nếu vi phạm quy định”, ông nói.
Ông Viện cho biết, Sở cùng Tổng cục Đường bộ đã rà soát hơn 4.700 tuyến từ các tỉnh đến 5 bến xe chính rồi mới lên danh sách. Dịp Tết Nguyên đán 2017 sắp tới, tình hình giao thông càng phức tạp nên Sở báo cáo thành phố thực hiện trước.
“Tôi khẳng định, hoàn toàn không có lợi ích nhóm, ưu tiên doanh nghiệp hay tỉnh nào trong quyết định phân luồng, chuyển tuyến. Văn bản của Sở dựa trên cơ sở giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội”, ông trả lời và bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp sớm ổn định để tiếp tục hoạt động.
Ông Viện nói rằng, Sở không bao giờ có ý định làm khó các nhà xe. Tuy nhiên, vì mục tiêu chung, phải chấp nhận việc một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng, phải hy sinh lợi ích. Ông phê bình việc các xe từ chối vận chuyển hành khách. Việc các nhà xe để người dân bơ vơ ở bến Mỹ Đình là không thể chấp nhận được, ông nói.
Trước khi kết thúc buổi đối thoại, phóng viên Tiền Phong đề nghị được phỏng vấn về phản ánh tiêu cực trong việc mua bán nốt xe; có bồi thường, ưu đãi cho các doanh nghiệp chuyển sang bến mới hay không. Tuy nhiên, người đứng đầu Sở GTVT từ chối trả lời.
Đăng nhận xét