TP - “Nếu chúng ta không thay đổi mà cứ theo thói quen trước đây thì sẽ không xuất khẩu được”, ông Võ Hùng Dũng-Giám đốc VCCI Cần Thơ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) cảnh báo như vậy tại diễn đàn “Ảnh hưởng kinh tế thế giới đối với ngành thủy sản Việt Nam” diễn ra hôm 28/3 tại Cần Thơ.
Ông Dũng cho biết, cơ cấu thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang có sự thay đổi nhanh, trong đó Trung Quốc và Hong Kong nổi lên, trở thành một trong ba đối tác lớn nhất của thủy sản xuất khẩu Việt Nam cùng với Mỹ và EU. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này từ 3,07% năm 2011 tăng lên 10,3% (năm 2015) và 17,8% (năm 2016). Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang TQ năm 2016 tăng 88,7% so với năm 2015. Với dân số trên 1,3 tỷ dân, Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới, theo dự báo, có thể tăng đến 20 tỷ USD năm 2020.
Tăng xuất khẩu chính ngạch
Tuy nhiên, theo ông Dũng, mặc dù là thị trường tiềm năng nhưng cũng không dễ dàng cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam, bởi thị trường này không dễ tính như trước đây, họ đã bắt đầu có những quy định tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Nhà cung cấp phải có chứng nhận về chất lượng, sản phẩm đạt đủ yêu cầu của Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc, xuất khẩu theo đường chính ngạch, đạt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời cần có nhân viên biết tiếng Trung để giao tiếp với đối tác Trung Quốc. “Nếu chúng ta không thay đổi mà cứ theo thói quen trước đây như các thị trường Mỹ hay EU, rồi bảo họ khó tính, gây khó dễ thì sẽ không xuất khẩu được, do vậy chúng ta phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm của mình” – ông Dũng nói.
Ông Lê Thanh Thuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sao Mai cho biết, hiện nay đường tiểu ngạch quá nhiều, chiếm tới 70%. Để ổn định lâu dài thì phải xuất khẩu theo đường chính ngạch”- ông Thuấn nói. Theo ông, muốn vậy, DN phải chủ động được tất cả các khâu, nhất là về con giống. “Hiện chúng ta đang rất thiếu nguồn giống, con giống lâu nay đã bị thoái hóa do trùng huyết thống, đây cũng là báo động cho các nhà làm ăn lớn”- ông Thuấn cảnh báo.
Ông Võ Thành Hiệp – GĐ Công ty CP Thủy sản Hưng Trường Phát (Bến Tre) cho biết sản phẩm nghêu của công ty đạt chất lượng và đã xuất khẩu sang châu Âu, Hàn Quốc. Hiện có khách hàng ở Trung Quốc muốn mua sản phẩm của công ty và muốn nhập theo đường chính ngạch nhưng lại chưa được cho phép. Trong khi đó, đại diện một DN khác cho rằng khi tôm được mùa, thương lái theo đường du lịch vào mua với giá lúc đầu rất cao, nhưng sau đó thì “mất tích”, gây khó cho người nuôi…
Theo ông Võ Đông Đức – TGĐ Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), Trung Quốc là thị trường rất hấp dẫn cho các DN xuất khẩu, có thuận lợi về giao thương, tập quán tiêu dùng gần giống người VN, tiêu thụ được hầu hết các sản phẩm từ cá tra… Tuy nhiên, việc mua bán qua biên giới cũng có khi bất cập, hàng hóa bị ách tắc, trong khi đó việc xuất khẩu chính ngạch, thanh toán bằng ngoại tệ chưa nhiều, thuế cao (13%).
Nâng hàng rào kỹ thuật
Ông Marieke Van der Pijl – Phó Chủ tịch Tiểu ban Kinh doanh thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản (Hiệp hội DN châu Âu tại VN) cho rằng những lô hàng của VN không được chấp nhận thường do vấn đề an toàn thực phẩm, khó truy xuất…, nguyên nhân khác là thiếu cơ chế hiệu quả để DN của VN làm việc với DN của EU. Theo ông Marieke, khi hàng rào thuế quan hạ xuống thì hàng rào kỹ thuật tăng lên, ngay cả khi có hiệp định tự do thương mại với EU. Vì vậy, các chuẩn mực của VN phải được nâng cao, cơ quan kiểm định của Việt Nam phải được công nhận theo chuẩn quốc tế, Việt Nam cần đảm bảo an toàn thực phẩm sau cảnh báo của EU, hạn chế dư lượng kháng sinh…
Với thị trường Nhật Bản, đây là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, khoảng 15 tỷ USD/năm, nhưng cá tra VN vẫn chưa vào được thị trường này. Theo bà Dương Linh Trang – TGĐ Công ty Saraya Greentek, người Nhật thích ăn cá sống nhưng phải tươi ngon, trong khi đó họ cho rằng cá tra Việt Nam chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân chính về vi phạm luật vệ sinh an toàn thực phẩm vào Nhật Bản là nhiễm khuẩn chéo.
Đăng nhận xét