TPO - Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cần có khái niệm chính xác của Office-tel là văn phòng kết hợp ở hay văn phòng kết hợp lưu trú và phải xác định quyền sở hữu của loại hình này là 50 năm hay lâu dài.
Tại hội thảo chuyên đề: “Thị trường căn hộ - văn phòng (Office-tel): Nhu cầu phát triển và những vướng mắc pháp lý cần tháo gỡ” tổ chức hôm 17/3, lãnh đạo Bộ Xây dựng, doanh nghiệp và chuyên gia đưa ra rất nhiều vướng mắc pháp lý để cùng tháo gỡ.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, tính pháp lý của loại hình này chưa rõ ràng kèm theo các vướng mắc trong quá trình tạo lập, giao dịch mua bán. Trong ba năm trở lại đây, mô hình Office-tel (Mô hình Officetel là sự kết hợp giữa văn phòng làm việc và nơi nghỉ ngơi tiện nghi-PV) đã phát triển rầm rộ, đặc biệt TPHCM với khoảng 40 - 50 dự án. Tuy nhiên, do đây là loại hình BĐS mới, có sự pha trộn về chức năng nên hệ thống pháp lý chưa kịp thời điều chỉnh, tạo ra nhiều băn khoăn, vướng mắc cho các nhà quản lý, chủ đầu tư và khách hàng trong quá trình phê duyệt, cấp phép, đầu tư và phân phối, giao dịch sản phẩm.
Ông Nguyễn Đăng Khoa- Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tecco cho biết, đơn vị này rất quan tâm đến loại hình Office-tel và đang triển khai xây dựng một số dự án có quy mô tương đối lớn. Hiện nay, một số vướng mắc pháp lý khi đầu tư vào Office-tel còn vướng rất nhiều. Hai vấn đề thường nảy sinh là khách hàng chưa yên tâm đối với Office-tel, chủ đầu tư vừa phải làm vừa “dò đường”, vì vậy sẽ gặp phải hạn chế, khó khăn, thậm chí có thể gặp phải rủi ro cao trong kinh doanh.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM nhận định, nên cấp quyền sử dụng vĩnh viễn cho những mô hình này không phân biệt để ở hay thương mại và mở rộng cho cả người nước ngoài được mua office-tel. Bởi dù không gọi tên là office-tel, nhưng thực tế Việt Nam đã có những mô hình này từ thời Pháp thuộc đó như một số ngôi nhà trên đường Lê Lợi, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Du ở TP.HCM. Đó cũng là những mô hình vừa nhà ở và vừa kinh doanh. Công năng của tầng dưới không ảnh hưởng đến việc sinh hoạt ở tầng trên.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) chỉ ra 5 vấn đề chính cần được giải quyết khi xây dựng khung pháp lý cho loại hình này.
Thứ nhất, cần có khái niệm chính xác của Office-tel là văn phòng kết hợp ở hay văn phòng kết hợp lưu trú. Thứ hai, phải xác định quyền sở hữu của loại hình này là 50 năm hay lâu dài. Thứ ba, cần xác định rõ chủ đầu tư được xây dựng Office-tel trên đất quy hoạch để làm nhà ở hay đất được quy hoạch có chức năng hỗn hợp. Thứ tư, nếu xác định đây là loại hình BĐS để ở thì chủ đầu tư phải đóng tiền sử dụng đất khác hiện nay. Thứ năm, Office-tel cũng phải có những tiêu chuẩn về thiết kế, điện nước, hạ tầng riêng biệt.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu hình thức văn bản nhanh nhất là thông tư. Qua đó, đề nghị Hiệp hội BĐS Việt Nam cùng tham gia với Cục quản lý nhà và thị trường BĐS nghiên cứu, đưa ra một văn bản pháp lý nhanh nhất, phù hợp với thực tiễn trên cơ sở xác định sự cần thiết của loại hình Office-tel để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khách hàng.
Mô hình Officetel Hà Nội ( Office + hotel) là mô hình văn phòng đa năng, rất phổ biến tại các quốc gia phát triển. Dạng văn phòng này có thể sử dụng làm văn phòng làm việc vừa có thể cư trú qua đêm tại đây.
Mô hình Officetel xuất hiện lần đầu tiên tại Seoul (Hàn Quốc) vào thập niên 80. Tuy nhiên, do nhu cầu tăng cao, nên hàng loạt các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản cũng bắt đầu vào cuộc với Officetel Hà Nội.
Những căn hộ Officetel có diện tích từ 25-50m2, tương tự như một Business Center hay một Studio (căn hộ dành cho người độc thân), nằm ở các khu trung tâm của các thành phố lớn. Tương tự mô hình Officetel còn được trang bị thêm những thiết bị cần thiết cho một văn phòng hoàn chỉnh.
Đăng nhận xét