TPO - Thông tin được rất nhiều người quan tâm đó là việc cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai (HAG) phục hồi ấn tượng đã giúp bầu Đức trở lại top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều gì đã khiến tên tuổi Bầu Đức trở lại?
Hơn 1 năm nay, câu chuyện nợ nần các ngân hàng của bầu Đức và kết quả làm ăn kinh doanh không mấy sáng sủa của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai được xem là nguyên nhân khiến cổ phiếu HAG tuột dốc không phanh, có thời điểm rớt thê thảm xuống dưới 5.000 đồng/cổ phiếu.
Theo thống kê trên sàn chứng vòng hơn 2 tháng qua, cổ phiếu này đã tăng đến gần 100% giá trị. Từ mức 4.970 đồng/cổ phiếu hôm 19/1, đến phiên giao dịch sáng 23/3/2017, HAG giao dịch ở mức 9.910 đồng/cổ phiếu. Nắm trong tay gần 348 triệu cổ phiếu HAG tương đương với tỷ lệ 44,03%, với mức giá trên, số tài sản trên sàn chứng khoán của ông Đức là 3.446 tỷ đồng, đứng thứ 9 trong top những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, hơn người đứng ở vị trí thứ 10 hơn 330 tỷ đồng.
Hiện, công ty mẹ HAGL đang phải “gánh nợ” cho các công ty con trong quá trình thực hiện tái cấu trúc tài chính giai đoạn 2010 – 2012. Nguyên nhân của việc HAG tăng giá một phần là do Hoàng Anh Gia Lai công bố đã chính thức được các ngân hàng giãn nợ, niềm tin vào cổ phiếu của bầu Đức đã quay trở lại.
Còn nhớ, cuối 2015, đầu 2016, là khoảng thời gian “xui xẻo” đeo bám đại gia Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) khi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông liên tiếp gặp khó trong hoạt động kinh doanh, tài chính cũng như danh tiếng. Cuối năm 2015, tập đoàn này có hơn 8.000 tỷ đồng tiền đi vay. Riêng khoản vay ngắn hạn ngân hàng lên xấp xỉ 3.200 tỷ đồng. Cộng thêm vào đó, HAGL cũng ngốn nhiều tiền xây dựng các dự án dở dang như đầu tư hơn 10.600 tỷ đồng cho việc trồng và chăm sóc cây cao su và cây cọ dầu.
Dự án Khu phức hợp HAGL Myanmar có mức chi phí tăng lên gần 5.500 tỷ đồng. Chi phí cho nhà máy thủy điện cũng tăng hơn gấp đôi lên 3.300 tỷ đồng. Cũng trong thời gian đó, dư luận từng có lần thấy bầu Đức lên tiếng cho rằng nếu không được tái cơ cấu nợ, có thể ông sẽ buộc phải bán bớt đi tài sản là một số vị trí “đất vàng” mà ông đang được giao quyền sở hữu…
“Trong quá trình trình xin ý kiến Chính phủ, chúng tôi cũng rất lưu ý đến những đặc điểm khó khăn khách quan mà HAGL găp phải thời gian đó như cao su rớt giá mạnh, tập đoàn gặp khó khăn về dòng tiền …”, một thành viên đã trực tiếp tham gia xem xét câu chuyện xử lý nợ của HAGL chia sẻ. Đồng thời ngay từ quãng cuối 2016, nhiều tin hiệu cho thấy giới nhà băng rất tin tưởng vào sự phục hồi từng bước của HAGL khi giá cao su cao trở lại, một số lĩnh vực của tập đoàn cũng tốt lên.
Việc tăng giá mạnh của HAG trong thời gian gần đây đã giúp bầu Đức trở lại top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán một cách ấn tượng. Và theo nhận xét trên sàn, sự trở lại này dù còn quá sớm để nói là chắc chắn nhưng là điều bất cứ nhà đầu tư nào cũng mong mỏi.
Đăng nhận xét