TP - Hai anh em mặc đồng phục học sinh được cha chở xe máy trên đường, ngồi phía sau mỗi đứa bưng một hộp cơm cắm cúi xúc ăn. Có lẽ vừa rời buổi học chính khóa ở trường, vội chạy đến nơi học thêm. Đoạn clip được một người đi đường ghi lại đưa lên mạng, khiến nhiều người ứa nước mắt. Sự nghiệp ăn-học của trẻ bây giờ là thế sao?!
Thực ra, hình ảnh tương tự của những cô cậu học trò giờ tan trường mặt mày phờ phạc ngồi gặm bánh mỳ phía sau xe máy của cha mẹ để kịp giờ học thêm gặp nhan nhản trên đường. Nhưng cầm thìa xúc cơm thế này là đỉnh điểm.
Đã mấy ngày rồi, người ta vẫn chưa hết sửng sốt về việc một cô kỹ sư trẻ chuyên ngành ô tô làm cho một tập đoàn của Nhật, trong chương trình “Ai là triệu phú” trên truyền hình, lại không trả lời được câu hỏi “El Nino là gì?”. Tôi nghĩ, không biết câu này cũng bình thường thôi. Ai chẳng có những rãnh mờ não bộ, những điểm “trí nhớ suy tàn”. Tiến sĩ bây giờ, hỏi về kiến thức chuyên ngành nhiều người còn phải lôi “phao” tài liệu ra nữa là.
Trong khi bao nhiêu thứ trên trường nhồi từ lớp 1 đến lớp 12, hỏi ra đời có mấy ai dùng đến nếu không phải chuyên ngành? Con tôi học lớp 7, môn Sinh học bắt nhớ tỉ mỉ như kiến thức của một nhà sinh vật học. Môn công nghệ tưởng là phụ học cho vui, vậy cũng bắt học sinh trở thành “biết tuốt”. Học đủ thứ, từ kỹ thuật xác định độ pH của đất, các phương pháp tạo giống cây trồng, kỹ thuật làm đất gieo ươm cây rừng, kỹ thuật chăn nuôi và quản lý giống vật nuôi, phòng bệnh cho tôm cá… Trong khi nhiều loại cây, loại con trên thực tế, có khi nhìn vào cũng không biết gọi tên là gì. Con giun, con dế cũng chưa bao giờ sờ đến, dù kiến thức về cấu tạo tế bào, cấu tạo cơ thể, chức năng, cho tới giải phẫu học… về chúng đầy ắp trong đầu. Và các con tôi cũng thường xuyên phải tranh thủ gặm bánh mỳ trên đường…
Người ta đang nói nhiều về thế hệ Millennial. Thế hệ những con người đầu tiên của thời đại kỹ thuật số, được sinh ra trong khoảng đầu những năm 1980 đến đầu thập niên 2000. Những người trẻ này chìm đắm trong thế giới công nghệ, gần như sống trực tuyến trên mạng xã hội với tâm thế sợ “bị quên lãng”. Các Millennial chỉ quan tâm đến những gì mình thích. Nên họ thường bị xem là “lười biếng”, ngạo mạn và ích kỷ.
Ranh giới các thế hệ đã quá xa nhau, quá khác biệt, nhưng người trẻ vẫn bị buộc phải học, phải nhồi những thứ mà người lớn cho là cần thiết.
Để rồi bi kịch xảy ra với những miếng cơm nuốt vội trên xe máy.
Để những người trẻ trở nên ngơ ngác, hụt hẫng với chính tình yêu của mình. “Anh và em yêu nhau thời xe máy, ô tô/ Anh và em yêu nhau thời Facebook, Zalo/ Anh và em yêu nhau thời cầm Oppo/… Ta chẳng nói chuyện gì vói nhau/… Ôi tình yêu thời nay mệt quá ai ơi!”. Như ca khúc “Ông bà anh” đang thịnh hành, mang âm hưởng tiếng thở dài của thế hệ cô đơn.
Đăng nhận xét