TP - Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ đầu tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy.
Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”.
Dường như hàng triệu người xem truyền hình cả nước đã cảm nhận được sự thẳng thắn mà chân thành của người đứng đầu chính phủ, khi ông phân tích: “Tôi là Thủ tướng ở đây. Các anh Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh Tết này không tới ông Phúc mình thấy khó chịu quá, thấy lo một cái gì đó. Đấy! Thế là mất ngủ rồi! Từ đó ông Thứ trưởng lo ông Bộ trưởng thế nào? Xin các đồng chí, thôi! Mình giàu giàu rồi, nghèo nghèo rồi. Cái Tết người ta nhìn vào tấm gương từng thành viên Chính phủ trong việc thực hiện thái độ này. Xin các đồng chí cũng dứt khoát cái này để mang lại tiếng thơm cho Chính phủ mới, cho bản thân từng đồng chí thành viên Chính phủ. Tôi có trách nhiệm được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phải giữ gìn cái này…”.
Tin rằng, đó là những lời trần tình không thể gan ruột hơn của người đứng đầu Chính phủ với cấp dưới của mình – các thành viên Chính phủ, các chủ tịch tỉnh thành trên cả nước để giữ gìn sự liêm chính cho Chính phủ. Cái lý, cái tình ở đây đều rõ cả trong thông điệp này.
Và quan trọng hơn, sự nêu gương của người đứng đầu bao giờ cũng mang lại sự lan tỏa và tiếp sau đó là ích lợi xứng tầm cho đất nước. Bởi các Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, thành không phải (và cũng không được) đến chúc Tết Thủ tướng, thì chắc rằng các Thứ trưởng hay Phó chủ tịch tỉnh cũng không cảm thấy áy náy khi không đến chúc Tết thủ trưởng của mình. Cứ như vậy mà suy ra, cả bộ máy công quyền từ trung ương xuống tỉnh thành, từ quận huyện đến xã phường sẽ bớt đi được những “chúc tụng” tốn kém mỗi dịp Tết đến xuân về. Nếu bỏ được sự chúc tụng chốn công quyền, hẳn là nguồn lực cả nước sẽ tiết kiệm được một khoản không hề nhỏ.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, Người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ: “Tôi là người địa phương tôi biết, mỗi lần Tết đến là lo lắm. Nên việc có công bố như vậy là rất phấn khởi cho các địa phương từ xa xôi. Đây cũng là một cách để thực hiện Chính phủ liêm chính”.
Đúng vậy, muốn xây dựng một Chính phủ liêm chính cần phải thực hành liêm chính từ những việc nhỏ nhất, cụ thể nhất và “phong tục” biếu xén, quà cáp chúc Tết lãnh đạo là một trong những việc như thế.
Dẫu chỉ là việc nhỏ song ý nghĩa lại vô cùng to lớn. Yêu cầu nêu trên của Thủ tướng một lần nữa củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động.
Đăng nhận xét