TP - Ngư dân và ngư trường là những cụm từ được nhắc tới gần đây, gắn bó mật thiết với chủ quyền biển đảo quê hương, nhưng nghề đi biển luôn chứa đựng nhiều rủi ro.
Vì vậy, dù ngân sách đang thời khó khăn, nhà nước vẫn chi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm cho tàu và cả bản thân mình mỗi khi vươn khơi.
Khi nói về bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 hết hiệu lực vào cuối năm nay (năm 2016), nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Nam từng dùng từ “tha thiết đề nghị Chính phủ cho tiếp tục thực hiện”. Bởi vì ông đánh giá ngân sách nhà nước hỗ trợ ngư dân đóng bảo hiểm tàu cá rất quan trọng; đặc biệt những tàu mới đầu tư phải có bảo hiểm. Chính sách này không chỉ ổn định sản xuất, mà còn đảm bảo chủ quyền biển Đông, đó là cái lợi kép. Nhưng ông Nam cũng cảnh báo, nếu tiếp tục, phải nghiên cứu phòng ngừa chính sách bị trục lợi, khó khăn khi thực hiện.
Không phải cứ chủ trương, chính sách tốt sẽ đảm bảo cho thực tế tốt. Tốt được hay không phụ thuộc toàn bộ vào quá trình thực thi, những khung pháp lý được ban hành. Ấy vậy nên, khi nhìn vào bảo hiểm tàu cá, đặc biệt là khi Bộ Tài chính công bố các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia vào chương trình đầy ý nghĩa này tất toán hết năm 2015 lỗ 5 tỷ đồng. Khi đó, tại phòng họp của Bộ Tài chính, rất nhiều phóng viên các báo đặt câu hỏi với lãnh đạo bộ về lo ngại bảo hiểm tàu cá sẽ đi vào ngõ cụt như bảo hiểm nông nghiệp (giai đoạn 2011-2013, Chính phủ cũng thí điểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, nhưng khi kết thúc, các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đều lỗ). Thậm chí, có doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp những ngày đó giờ đang đối diện nguy cơ bị nông dân khởi kiện đòi thêm tiền bảo hiểm. Nghề nông cũng ẩn chứa rủi ro thiên tai, hạn hán, dịch bệnh…
Nhìn từ bảo hiểm nông nghiệp sang bảo hiểm tàu cá, có lẽ nhiều người cũng lấy làm ái ngại. Tại sao những chính sách tốt đẹp đó lại “đầu voi, đuôi chuột”? Lợi ích của một chính sách đâu chỉ có lời 5 tỷ đồng hay lỗ 5 tỷ đồng. Một chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi lớn nhất của bảo hiểm tàu cá, chính là ngư dân yên tâm bám biển và ngư trường sôi động và là những cột mốc sống bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sự có mặt của ngư dân trên ngư trường ngoài ý nghĩa kinh tế còn có ý nghĩa về an ninh, quốc phòng. Mục tiêu chính sách tốt, nếu chưa thành công hoặc thất bại chung quy là ở cách làm.
Sự thất bại của một chính sách nào đó, đừng đổ lỗi cho lý do khách quan. Ngư dân hàng nghìn năm nay đi biển dù bao lần bão tố vùi dập, họ vẫn hiên ngang trong những ngư trường cha ông để lại và đương nhiên lúc đó đâu đã có bảo hiểm tàu cá và sinh mệnh của họ. Giờ nhà nước có chính sách hỗ trợ để họ yên tâm và vững tin hơn khi vươn khơi, hãy làm sao giá trị kép nêu trên luôn phát huy hiệu quả và nhân rộng.
Đăng nhận xét