TP - Sự kiện Zun Than Sin, cô gái 21 tuổi tốt nghiệp khoa âm nhạc Trường Đại học Văn hóa-nghệ thuật Yangon đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Myanmar hồi đầu tháng 10/2016 như một dư chấn trong đời sống văn hóa của người dân nước này.
Truyền thông bình luận, ở một đất nước mà hầu hết phụ nữ che nửa thân dưới của cơ thể bằng longyi, thì việc các cô gái phô bày da thịt trong bộ bikini trên truyền hình quốc gia được xem như là cuộc “cách mạng da thịt”, làm khuấy đảo giới bảo thủ.
Những năm gần đây, người dân Myanmar đang thay đổi nhanh chóng trong quan niệm, tư duy. Vị thế người phụ nữ trong xã hội cũng vì thế được nâng cao hơn.
Cuộc cách mạng da thịt
Theo anh Kyaw Zin Hein, người có bằng thạc sĩ, đồng thời là ca sĩ nhạc rock, cộng đồng người Pyu có gốc gác từ phương Bắc, họ tràn sang lánh lạn và định cư tại khu vực Madalay (thủ đô đầu tiên của Myanmar) từ thế kỷ 13, 14 và đến nay đã hoàn toàn địa phương hóa. Nơi đây từng có phong tục người con trai sẽ đặt một tay lên ngực trần cô gái mình muốn tỏ tình. Nếu được chấp nhận sẽ tiếp tục tiến tới. Ngược lại, khi bị từ chối nhưng vẫn “lấn tới”, người con trai sẽ lập tức bị phạt nặng. Tục này hiện đã mai một, nhưng tinh thần tôn trọng phụ nữ vẫn còn đó.
Cũng theo Kyaw Zin Hein, phong tục và cả trang phục của người Myanmar nói chung có nhiều thay đổi theo thời gian. Ngay cả chiếc longyi, trang phục truyền thống lâu đời, cũng có lúc thay đổi theo mức độ ngắn dài. Tuy nhiên, sự thay đổi đáng kể nhất là nằm phía bên trong của trang phục truyền thống. Theo Kyaw Zin Hein, trước đây người Myanmar không mặc trang phục đồ lót. Gần đây, khi nhận thấy điều đó ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là phụ nữ nông thôn làm việc đồng áng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã vận động phụ nữ Myanmar làm quen và sử dụng trang phục đồ lót.
Cùng với tác động của WHO, làn sóng văn hóa Tây phương tràn vào sau mở cửa, trang phục đồ lót dần trở thành một phần không thể thiếu của giới trẻ Myanmar, nhất là nữ giới. Những món đồ vốn nhạy cảm này đã được bày bán phổ biến không chỉ ở các shop trong trung tâm thương mại sang trọng mà ngay cả các chợ truyền thống. Tuy nhiên, trên các bảng quảng cáo ở nơi công cộng hoặc báo chí lại tuyệt nhiên không có những hình ảnh sản phẩm trang phục đồ lót, kể cả hình ảnh người ăn mặc hở hang, phô bày da thịt.
Cũng theo người đàn ông trung niên Kyaw Zin Hein (sinh năm 1976), cách yêu của giới trẻ Myanmar hiện đang có nhiều thay đổi so với những thế hệ trước. Anh lấy chính câu chuyện của mình làm ví dụ. Lúc mới lớn, anh yêu một cô gái Myanmar theo đúng cách yêu gìn vàng giữ ngọc của người Myanmar. Mối tình đầu tan vỡ sau 5 năm gắn bó, anh yêu một cô gái người Nhật Bản. Cũng sau 5 năm, cô ấy bỏ anh ra đi vì cảm thấy không thích hợp với cách yêu cổ điển. Anh nhận ra, giới trẻ ngày càng yêu một cách thực tế, cá tính và dám bày tỏ tình yêu hơn, không giống với sự e dè, khép kín quá mức như thế hệ của anh hoặc các thế hệ trước nữa. Nếu như trước đây rất xa lạ chuyện trai gái nắm tay nhau ở nơi công cộng, thì nay khá phổ biến và dễ dàng được chấp nhận. Ngày trước, trai gái yêu nhau thường đưa nhau đến chùa vãn cảnh, lễ Phật, nay họ có nhiều lựa chọn hơn. Ở thành phố, các địa điểm như công viên, quán cà phê, quán bar… là nơi nhiều thanh niên lui tới.
Giới trẻ Myanmar bắt đầu “nghiện” facebook và selfie.
Thế giới dần phẳng
Khuya. Phố vắng tanh. Hai bên cửa khách sạn Grand United, trên đường Maharbandooa (cố đô Yangon), nơi tôi lưu lại có hai quày hàng lưu động vẫn sáng đèn. Ánh sáng yếu ớt của bóng đèn neon nhỏ vừa đủ để từ trong nhìn ra thấy những những thùng nhựa kích cỡ ngang tầm hộp sữa bột, đựng những thứ gì đó màu trắng, sền sệt như bột để làm bánh. Ngỡ tưởng quày bán thức ăn đêm, tôi đến định kiếm món lót dạ. Chưa kịp mừng tôi đã thất vọng, bởi đó là quày chuyên bán trầu cau di động. Những miếng trầu têm sẵn, hoặc đã để mọi thứ cần thiết vào trong lá trầu nhưng chưa cuốn lại, được bày sắp lớp. Trong những thùng nhựa sền sệt đó chứa đầy vôi ăn trầu. Không một bóng khách, nhưng xem ra chủ quày hàng, một người đàn ông còn rất trẻ, không lấy làm sốt ruột. Anh cho biết, giờ này tuy ít khách nhưng cứ lai rai bán đến thật khuya vẫn có người mua.
Theo người bán trầu, trước đây tuyệt đại người dân Myanmar ăn trầu. Nhiều nơi, trẻ em mới độ tuổi học cấp hai đã tập tành nhai món cay nồng này. Nay đã khác, nhiều bạn trẻ từ 9X trở về sau đã không tiếp tục nhai trầu như ông bà, cha mẹ. Từ khi Myanmar mở cửa, các nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào khai thác “mảnh đất vàng cuối cùng” của châu Á và xây dựng các khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, cơ sở giáo dục, khu vui chơi giải trí hiện đại… Đây là cơ hội tìm việc tốt của những người trẻ, nhưng họ phải tự hiểu rằng, muốn được thu nhận vào làm trong các cơ sở này, ngoài năng lực, họ phải hạn chế đến mức tối đa, thậm chí đoạn tuyệt với thói quen nhai trầu, bởi món “Chewing Gum” truyền thống này nhiều khi bất tiện, thậm chí không thích hợp với môi trường làm việc hiện đại. Đó là lý do ở những cơ sở kinh doanh kể trên dường như không thấy các bạn trẻ, kể cả người đứng tuổi bỏm bẻm nhai trầu. Làn gió đổi mới đã góp phần giữ cho hàm răng của một bộ phận không nhỏ người dân Myanmar được trắng muốt.
Trang phục lót nữ và những vật dụng làm đẹp bày bán phổ biến tại chợ trung tâm cố đô Bagon.
Cùng với hàm răng trắng, chiếc điện thoại thông minh là thứ thường thấy ở các bạn trẻ, không chỉ ở thành thị mà cả những vùng sâu vùng xa. Anh Nguyễn Đại Lưỡng, một hướng dẫn viên du lịch đến từ TPHCM cho biết, từ năm 2010 đến nay, anh thường xuyên đưa khách Việt Nam đi du lịch tại Myanmar. Anh nhận thấy, chỉ trong vòng 5 năm qua, đời sống xã hội ở Myanmar thay đổi rất nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông. Nhiều nhà mạng trong và ngoài nước cùng cung cấp dịch vụ ở thị trường mới mẻ này, nhờ đó internet phát triển rất nhanh và sóng wifi cũng lan tỏa trên diện rộng. Facebook cũng phổ biến trong giới trẻ và cả những người không còn trẻ.
Tôi gặp Cherry May, cô gái khoảng 20 tuổi và các bạn cùng trang lứa trong lúc viếng chùa Shwe Yin Hmaw ở Hpa (bang Kayin). Sau một hồi trò chuyện, các cô không ngại ngần rủ tôi cùng selfie. Cherry May cho biết, cô và các bạn đồng trang lứa mới tiếp cận facebook thông qua chiếc smartphone và ai cũng cảm thấy thích thú cho nên đến bất cứ nơi nào cũng chụp choẹt cho nhau, rồi “tự sướng” để đưa hình ảnh lên facebook. Cũng giống nhiều nước châu Á, giới trẻ Myanmar dù đi sau nhưng bắt đầu vướng vào “cơn nghiện” facebook. Chính vì vậy, giới trẻ đã đầu tư một khoản tài chính không nhỏ cho việc mua sắm các thiết bị công nghệ cao như điện thoại thông minh và máy tính bảng với mục đích giải trí.
Ngoại trừ Yangon, các thành phố khác ở Myanmar không cấm xe máy hoạt động. Người sử dụng xe máy không bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm, nhưng nhiều bạn trẻ ý thức được sự nguy hiểm đến tính mạng nên trang bị và sử dụng mũ bảo hiểm đắt tiền khi tham gia giao thông. Có điều, ở nhiều nơi, ngay cả thành phố, không dễ tìm mua mũ bảo hiểm.
Tôi thử đi các dãy phố quanh chợ trung tâm cố đô Bago, nơi mua bán nhộn nhịp nhất của thành phố để tìm nơi bán mũ bảo hiểm, nhưng toàn gặp cửa hàng bán sản phẩm và thức ăn địa phương, thanaka (loại cây dùng để mài lấy bột thoa lên mặt như một thứ mỹ phẩm) và cả sạp trang phục đồ lót.
Ngoài ra, ở những nơi công cộng thường không có chỗ giữ mũ bảo hiểm, nên nhiều người đi đâu cũng phải lích kích mang theo sau mình chiếc mũ kềnh càng. Nhưng điều đó không khiến các bạn trẻ ở đất nước mới mở cửa này giảm sút sự phấn khích.
Tác dụng phụ của facebook cũng bắt đầu bộc lộ ở Myanmar. Truyền thông nước này đưa tin, cuối tháng 10 vừa qua, một tòa án địa phương ở Bắc Dagon đã đưa ra xét xử một người dùng facebook với danh xưng Zaw Zaw (còn gọi là Nga Pha) vì tội sử dụng facebook để phỉ báng bà Aung San Sue Kyi. Tờ nhật báo tiếng Anh Thứ Mười Một cho biết, nhiều facebooker khác cũng đang đối mặt với án tù vì tội phỉ báng người khác, trong đó có các lãnh đạo nhà nước.
Đăng nhận xét