TP - Lại rộ lên chuyện cán bộ đánh người. Ngày 5/11, ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ đối ngoại Sở Ngoại vụ Hà Nội hành hung một cụ già 76 tuổi khiến nạn nhân phải nhập viện. Ông cụ là một tiến sĩ, thầy giáo dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội nghỉ hưu.
Chỉ vì trong lúc đi tập thể dục buổi sáng, khi sang đường cụ va chạm nhẹ với một phụ nữ đi xe máy. Tay cán bộ chồng cô này đi ô tô phía sau lập tức nhảy xuống đấm đá túi bụi...
Trước đó chưa lâu, Đào Vịnh Thuấn - cán bộ thanh tra Sở GTVT Hà Nội cùng tham gia hành hung một nữ nhân viên hàng không Nội Bài, cũng khiến cô này phải vào viện. Tiếp theo là vụ Trần Quang Lâm, cán bộ Hạt Kiểm lâm Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình) lao vào đấm đá các nhân viên thu phí trạm BOT quốc lộ 6 vì bị yêu cầu mua vé. Chưa thỏa mãn, ông ta gọi thêm 4 tay chân tiếp tục hành hung các nhân viên. Theo phản ánh, ông cán bộ kiểm lâm này có lần bị bắt mua vé qua trạm, đã ngang ngược xoay ô tô chắn ngang quốc lộ gây ách tắc giao thông suốt gần nửa giờ đồng hồ.
Cũng chưa quên vụ Hoàng Hữu Đức - cán bộ tín dụng chi nhánh ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tại Nghệ An mới đây dùng vòi bơm xăng “choảng” vào đầu nữ nhân viên bán xăng đến phụt máu.
Dù những đối tượng cán bộ kể trên chỉ là thiểu số, nhưng đáng lo ngại là nó xảy ra dồn dập, khắp nơi. Tâm lý đội ngũ công bộc của dân này bỗng trở nên hung hăng, manh động kiểu bất cần đời. Bất ổn ấy có khiến các nhà tâm lý học phải lưu tâm?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt khi viết về “sự tha hóa của cái Tôi” đã nhận định đại ý rằng, khi con người khuyết tật về mặt nhận thức thì mọi diễn biến trong cuộc sống sẽ trở nên méo mó. Hệ miễn dịch của họ bị thoái hóa. Trước sức ép và những biến dạng mà cuộc sống, xã hội, thể chế tạo ra, bản năng phản kháng tự nhiên để chống lại những áp lực ấy cũng không còn. Chịu sự áp đặt xấu xí quá lâu dài, khả năng tự vệ không được rèn luyện đã thui chột.
Vụ 21 cô giáo trẻ có “ngoại hình đẹp” ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) được lệnh trên phải nghỉ dạy để đi phục vụ hội diễn văn nghệ và tiếp quan khách liên hoan đang dậy lên trên báo chí. Dư luận nhiều chiều khác nhau, cho rằng ép “giáo viên làm tiếp viên” là phản cảm. Còn lãnh đạo ngành giáo dục địa phương khẳng định mọi chuyện đều “hoàn toàn trong sáng”. Trong khi chủ tịch thị xã Hồng Lĩnh hôm qua trả lời trên báo chí, khẳng định việc huy động giáo viên đi tiếp khách đã có tại địa phương từ nhiều năm qua. Và việc “tuyển các cô giáo có ngoại hình đẹp, cùng nghiệp vụ sư phạm sẽ khiến việc tiếp khách hiệu quả hơn”!
Thật khó nghĩ. Khi hội hè, họp hành, tiệc tùng, không chỉ tiêu tiền bạc, thời gian, mà còn cần đến nhan sắc và cả nghiệp vụ sư phạm!?
Đăng nhận xét