Nhiều người Nhật Bản luôn gặp vấn đề về giao tiếp xã hội, ví dụ như những thanh thiếu niên không hề bước chân ra khỏi nhà và giam mình trong phòng để chìm đắm với trò chơi điện tử hay đơn giản là ngồi thu lu trong phòng chẳng làm gì…
Quốc gia Đông Á này đã và đang đối mặt với hiện tượng "hikikomori" (tạm gọi là hội chứng tự kỷ trong phòng) thường xảy ra với những người trẻ... Đây là cơ hội mở ra nhiều dịch vụ kỳ lạ ở Nhật Bản.
Những người về hưu cô đơn, các nữ sinh trung học đang là khách hàng thân thiết của ông Takanobu Nishimoto và một nhóm đàn ông trung niên Nhật Bản.
Nhóm này đang cung cấp dịch vụ cho "mượn tai", tức là bỏ thời gian lắng nghe tâm sự từ những người không thể chia sẻ với bác sĩ tâm lý hoặc người thân trong gia đình.
Bất cứ ai cần dịch vụ trên đều có thể đăng ký trên trang web của Takanobu Nishimoto để thuê một ossan (người đàn ông ở độ tuổi từ 45 - 55) với mức giá khá đắt 10 USD/giờ.
Ông Nishimoto đã nảy sinh ra ý tưởng "cho thuê tai" từ 4 năm trước và dịch vụ này đã mở rộng khắp Nhật Bản với 60 ossan. Ông Nishimoto chia sẻ: "Ý tưởng ban đầu là cải thiện hình ảnh của những người đàn ông trung tuổi giống như tôi, những người không còn ngây thơ nhưng cũng không còn coi mọi việc quá nghiêm trọng nữa".
Ông Nishimoto khẳng định rằng, trò chuyện là "món hàng" duy nhất trong dịch vụ của ông. Ông có 30 đến 40 khách hàng/tháng, gần 70% trong đó là phụ nữ.
Ông Nishimoto cho biết thêm: "Những khách hàng thường chỉ yêu cầu tôi làm bạn trò chuyện trong một đến hai giờ. Cơ bản tôi chỉ lắng nghe họ chia sẻ tâm tình".
Những người tìm đến ông Nishimoto không thuộc nhóm tách biệt với xã hội hoàn toàn. Họ là những đối tượng cần một người biết lắng nghe và giúp họ quên đi áp lực từ sự kỳ vọng của gia đình, bạn bè đồng thời muốn tâm sự một cách thoải mái, tự do nhất.
Cô gái trẻ Nodoka Hyodo (24 tuổi) sau khi có buổi trò chuyện cùng ông Nishimoto đã thổ lộ: "Có sự khác biệt về 'cái tôi' khi ở với bạn bè, gia đình hoặc bạn trai. Tôi đã tạo ra một cái 'tôi' trong giao tiếp với những người khác. Tại đây tất cả đều biến mất bởi vì tôi được trò chuyện với một người lạ mà tôi không hề quen biết. Tôi không rõ, nhưng nhờ chú ấy, tôi có cảm giác hiểu rõ hơn về mình".
Tuy nhiên, khi thuê một ossan thì mối quan hệ lại là giữa khách hàng và người cung cấp dịch vụ, do vậy các quy tắc có thể thay đổi mà không ai thấy bị làm phiền. Trong những năm gần đây, nhiều công ty đã phát sinh dịch vụ thuê một người bạn được trả thù lao theo giờ.
Cũng giống như dịch vụ cung cấp ossan nói trên, trong những năm gần đây, khách hàng có thể thuê người đóng giả làm bạn, thành viên gia đình hoặc bạn đồng hành trong các dịp như đám cưới, lễ tang và tiệc tùng. Một số người thuê "bạn giả" chỉ để có người lắng nghe họ cho vơi đi thời gian cô đơn của tuổi già.
Ông Nishimoto cho biết, đã đôi lần cân nhắc dừng dịch vụ này nhưng phát hiện ra rằng ông cần khách hàng của mình cũng như chính họ cần ông.
"Tôi chưa bao giờ biết đích xác điều mà họ sẽ yêu cầu khi họ thuê tôi, và tất nhiên điều này đôi khi khá đáng sợ nhưng đó cũng là điều khiến công việc thú vị. Thành thực mà nói thì tôi chưa bao giờ có vấn đề kỳ lạ với khách hàng mà thay vào đó là rất nhiều trải nghiệm cảm xúc", ông Nishimoto thổ lộ.
Mặc dù những người làm nghề "lắng nghe" đa phần có việc làm ổn định, nhưng việc giúp được khách hàng của mình quên đi mệt mỏi của cuộc sống khiến họ cảm thấy có ý nghĩa hơn.
Khách hàng có thể cùng đi ăn tối, cafe với người cung cấp dịch vụ và trải lòng về những áp lực hay bất cứ vấn đề gì mà họ cảm thấy cần giải tỏa tâm lý.
Nhà tâm lý học Hiroaki Enomoto cho biết, người Nhật Bản có chuẩn mực xã hội trong giao tiếp là không làm phiền người khác. Nhiều khi họ phải hạn chế điều có thể nói ra hoặc không thể nói ra ngay cả trong những mối quan hệ thân thiết nhất.
Ông Enomoto phân tích: "Rất khó để biết cách thể hiện bản thân mà không làm phiền đến người khác. Xã hội càng phát triển, hiện đại, con người càng đối mặt với nhiều cô lập. Hơn bao giờ hết, nhu cầu được giải tỏa tâm lý càng trở nên cấp thiết hơn. Đó là lý do ra đời của dịch vụ thiết thực này".
Đăng nhận xét