TP - Sáng 21/11, thảo luận về Dự thảo Luật Quy hoạch, các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) cho rằng, việc quy hoạch vừa thừa, vừa thiếu, không chỉ làm thất thoát, lãng phí mà còn gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, cản trở sự phát triển. Nhiều ĐBQH đề nghị bổ sung chế tài xử lý nghiêm minh việc quy hoạch dự báo sai, quy hoạch kém chất lượng, quy hoạch treo, hoặc các hành vi trục lợi khi quy hoạch.
Theo ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), từ năm 2011-2014, mỗi tháng cả nước có trên 358 bản quy hoạch được lập và phê duyệt, tiêu tốn nhiều tỷ đồng. Tuy nhiên, chất lượng các bản quy hoạch lại rất hạn chế, thiếu hiệu quả, hiệu lực. Quy hoạch không gắn với nguồn lực thực hiện, thiếu tính khả thi liên kết dẫn đến chồng chéo, lãng phí.
Lãng phí lớn
ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) phản ánh thực tế, việc lập và phê duyệt, triển khai quy hoạch ở nước ta rất chậm. Có những quy hoạch cho một thời kỳ nhưng khi được phê duyệt đã đi được một phần ba thời gian, nên phê duyệt xong thì không còn phù hợp, phải điều chỉnh. “Đây cũng là lý do vì sao nhiều quy hoạch “treo” không được thực hiện, nhiều công trình thực hiện dở dang phải tạm dừng đợi điều chỉnh quy hoạch, hoặc nếu cứ triển khai thì rơi vào tình trạng không theo quy hoạch, gây lãng phí lớn cho xã hội”, ông Tiến nói.
Dẫn ví dụ cụ thể trong lĩnh vực hàng không, quản lý vùng trời, ĐB Sùng Thìn Cò (Hà Giang) phản ánh, trước đây khi ngành hàng không chưa phát triển nên bầu trời rộng rãi, thuận lợi cho việc huấn luyện chiến đấu của lực lượng phòng không không quân. “Nếu chúng ta không quy hoạch vùng trời thì rất khó khăn trong công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu”, ĐB Sùng Thìn Cò đề nghị.
ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cũng kiến nghị, việc quy hoạch phải có tầm nhìn từ 50 đến 70 năm. Theo ĐB này, quy hoạch có dài mới đảm bảo tính ổn định cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong điều hành nền kinh tế và trong đầu tư phát triển không bị động, không sợ thay đổi. Quy định dài cũng tạo áp lực cho các cơ quan lập quy hoạch phải có những dự báo đánh giá dài hạn, đồng thời phải có sự đầu tư công phu cho công tác lập quy hoạch, tránh tình trạng dò dẫm, cóp nhặt, chắp vá.
Bổ sung chế tài xử lý quy hoạch sai
Theo ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), việc có quá nhiều những văn bản dán chữ quy hoạch đã và đang tạo ra những chồng chéo, vướng mắc, khó khăn trong điều hành quản lý nhà nước, gây thất thoát, lãng phí lớn trong quá trình phát triển và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Từ đó, ông Thành đề nghị cần phải chế tài xử lý nghiêm minh như việc quy hoạch dự báo sai, quy hoạch kém chất lượng, quy hoạch “treo” hoặc hành vi trục lợi trong hoạt động quy hoạch..
Ủng hộ quan điểm trên nhưng ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) chỉ ra một thực tế là, trong Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước lại không có quy định về bồi thường khi quy hoạch “treo”, quy hoạch sai. “Vậy đối với vấn đề quy hoạch “treo”, quy hoạch sai thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm và người chịu thiệt hại sẽ được bồi thường như thế nào? Nguồn bồi thường lấy từ đâu?”, ông Thắng đặt câu hỏi và đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để quy định nội dung này.
ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cũng đề nghị quy định rõ, cách thức xử lý đối với các vi phạm trong quá trình lập, thẩm định, thực hiện quy hoạch, không để cho một tổ chức, cá nhân nào lợi dụng việc quy hoạch làm sai, thực hiện hành vi sai trái. “Để thực hiện nghiêm Luật Quy hoạch thì ngoài những quy định cấm trong dự thảo luật, chúng ta phải bổ sung quy định, nếu vi phạm thì phải xử lý như thế nào cho rõ ràng. Qua đó để tất cả các tổ chức, cá nhân không dám vi phạm”, ông Thể đề nghị.
Giải trình trước những vấn đề mà ĐB đề ra, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định, sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến mà ĐB nêu ra để chỉnh lý cho phù hợp. Ông Dũng cũng cho hay, trong quy hoạch vùng hiện nay do chưa có các quy hoạch một cách chi tiết, dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn giữa các địa phương trong một vùng, giữa các ngành trong một địa phương. Nếu không có quy hoạch thì đối với các công trình, dự án thuộc hạ tầng kinh tế - xã hội, địa phương nào cũng muốn đưa về, đặt ở địa phương mình.
Nhưng các công trình chung như nghĩa trang, các cơ sở hỏa táng, xử lý các loại rác thải, các loại ô nhiễm môi trường, theo ông Dũng, các địa phương đều không muốn mang về. Để quản lý được vấn đề này, ông Dũng cho rằng, đối với các quy hoạch đã được xác định thì các bộ, ngành quản lý theo ngành và lĩnh vực đó. Ví dụ về giao thông vùng, Bộ GTVT phải quản lý. Vấn đề thủy lợi, cấp nước, thoát nước cho tưới tiêu thì Bộ NN&PTNT phải quản lý.
ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) chỉ ra một thực tế là, trong Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước lại không có quy định về bồi thường khi quy hoạch “treo”, quy hoạch sai. “Vậy đối với vấn đề quy hoạch treo, quy hoạch sai thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm và người chịu thiệt hại sẽ được bồi thường như thế nào? Nguồn bồi thường lấy từ đâu?”, ông Thắng đặt câu hỏi và đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để quy định nội dung này.
Đăng nhận xét