TP - Việt Nam cùng quốc tế cam kết xóa bỏ thị trường buôn bán động vật hoang dã; điều chỉnh khung pháp lý để truy tố, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm; tăng cường phối hợp để chống lại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia... Đó là những thông điệp đưa ra tại hội nghị Hà Nội về chống buôn bán trái pháp luật các loài động thực vật hoang dã (ĐTVHD) - IWT, ngày 17/11.
Theo Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), Việt Nam hiện là tâm điểm theo dõi của cộng đồng quốc tế về xử lý tội phạm liên quan đến ĐTVHD.
Theo TS Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia WWF-Việt Nam, Việt Nam cần thông báo kế hoạch cụ thể nhằm chấm dứt nạn buôn bán trái phép sừng tê giác và ngà voi, đồng thời đóng cửa tất cả các trang trại nuôi nhốt hổ. “Các quốc gia khác thuộc tiểu vùng sông Mekong cần đồng hành cùng Việt Nam về cam kết xóa sổ thị trường, đặc biệt tại khu vực Tam giác vàng”- ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, tháng trước, Việt Nam đã bắt giữ 5 kiện hàng lớn cất giấu hơn 4,5 tấn ngà voi. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có đối tượng đứng đầu đường dây buôn bán trái phép ngà voi hay sừng tê giác nào bị khởi tố.
Trong khi đó, bà Kanitha Krishnasamy, Quản lý cấp cao Chương trình của mạng lưới chống buôn bán ĐTVHD (TRAFFIC) tại Đông Nam Á cho biết, việc bắt giữ lượng ngà voi lớn cho thấy các nỗ lực thực thi pháp luật đã có hiệu quả. “Tuy nhiên, số lượng những vụ khởi tố còn quá ít. Đây là nguyên nhân chính để các nhóm tội phạm có tổ chức vận chuyển số lượng lớn các sản phẩm từ động thực vật hoang dã bất hợp pháp qua đây”- đại diện TRAFFIC nói.
Theo khảo sát của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tại 6 đô thị lớn ở Việt Nam, các vi phạm về tiêu thụ động vật hoang dã trái phép đã giảm gần 1/3. Số lượng gấu bị nuôi nhốt tại các trang trại đã giảm gần 70%...Tuy nhiên, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV cho biết, Việt Nam còn nhiều thách thức…Theo bà Hà, kết quả rà soát khoảng 200 bản án xử lý những vụ việc vi phạm nghiêm trọng về động vật hoang dã của ENV trong giai đoạn 2010 - 2016 cho thấy, không một đối tượng cầm đầu mạng lưới buôn bán ĐTVHD lớn nào bị bắt giữ hay khởi tố trong 6 năm qua.
“Điển hình là đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán rùa biển lớn nhất tại Việt Nam sau hai năm bị phát hiện và thu giữ hơn 10 tấn rùa vẫn chưa bị khởi tố”- đại diện ENV cho biết.
Tại hội nghị, Hoàng tử Vương quốc Anh William cho biết, trên thế giới, các nước đang đi đúng hướng, nhưng chưa đủ nhanh để xử lý khủng hoảng, nên số tê giác, voi, tê tê vẫn đang bị giết với số lượng rất lớn.
Hoàng tử Anh cũng đánh giá cao Việt Nam trong việc kiên quyết tiêu hủy hơn 2 tấn ngà voi và hơn 70 kg sừng tê giác trước thềm hội nghị này. Đồng thời, ông tiếp tục đề nghị các quốc gia: “Cần phải hành động ngay, dù là nhỏ nhất vì con cháu chúng ta sau này”.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, Việt Nam sẵn sàng cùng với tổ chức quốc tế, ngăn chặn các đường dây buôn bán quốc tế không chỉ có công đoạn ở Việt Nam, mà có cả nơi xuất xứ, nơi cư trú tự nhiên của các loài động vật hoang dã bị săn bắn. Ông Tuấn cho rằng, ngoài việc ngăn chặn các tuyến đường buôn bán quốc tế, Việt Nam cũng làm tuyên truyền giảm cầu, như giảm về mật gấu, sừng tê giác. Chiều qua, Hội nghị IWT đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về chống buôn bán trái pháp luật các loài ĐTVHD, thúc đẩy cộng đồng quốc tế chung tay chống buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã.
Ngày 17/11, Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho hay vừa bắt quả tang ông Nguyễn Thành K. (trú xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đang đặt bẫy để bắt động vật hoang dã trái phép tại khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Trước đó, lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, truy quét tại khu vực 696 đổ về hướng Hố Sâu (thuộc tiểu khu 63 khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà) thì phát hiện ông K. đặt bẫy động vật hoang dã trái phép. Ngoài ra, tổ công tác còn phát hiện và tạm giữ một xe mô tô, một rựa và 21 dây bẫy bằng ruột phanh xe đạp. Vụ việc hiện đang được Hạt Kiểm lâm lập hồ sơ để xử lý theo thẩm quyền.
Thanh Trần
Đăng nhận xét