TPO - Bộ GD&ĐT đã công bố lịch thi kỳ thi THPT Quốc gia 2017 từ ngày 22 - 24/6.
Năm 2017, các thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia sẽ có 5 bài thi. Theo đó, các bài thi Toán, Ngoại ngữ và các bài thi tổ hợp sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Bài thi Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình Giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.
Thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT (gọi tắt là thí sinh GDTX) phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.
Thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Thí sinh GDTX có thể chọn dự thi cả bài thi Ngoại ngữ, điểm bài thi này để xét tuyển sinh Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ), không dùng để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Lịch thi chi tiết các môn thi kỳ thi THPT Quốc gia 2017 như sau:
Không được xét tốt nghiệp nếu bỏ không thi bài thi tổ hợp đã đăng ký
Đó là lưu ý của ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo trước thắc mắc của một số thí sinh trong quá trình đăng ký dự thi THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng.
Theo Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa, việc cho phép thí sinh đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp chính là khuyến khích các em học toàn diện hơn, tạo cho thí sinh nhiều cơ hội trong xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Khi thí sinh đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp các hội đồng thi phải chuẩn bị đầy đủ đề thi, phòng thi, cán bộ coi thi.
Trước câu hỏi của một số thí sinh về việc có được xét công nhận tốt nghiệp không nếu đăng ký bài thi tổ hợp nhưng bỏ không dự thi bài thi tổ hợp đó? Ông Nghĩa khẳng định, thí sinh đã đăng ký dự thi bài thi tổ hợp nào thì phải dự thi hết các môn thành phần của bài thi tổ hợp đó; nếu không dự thi sẽ được coi là bỏ thi bài thi đã đăng ký để xét tốt nghiệp và vì vậy thí sinh sẽ không được xét công nhận tốt nghiệp.
Ông Nghĩa cũng cho rằng, quy định này cũng giúp thí sinh hạn chế tình trạng dự thi phân tán, ôm đồm, tốn sức lực, thời gian mà kết quả không cao.
Thí sinh đăng ký bao nhiêu nguyện vọng là đủ?Thực tế, các trường đại học thường dùng nhiều tổ hợp để xét tuyển vào một ngành và có quy định cụ thể về cách xét tuyển giữa các tổ hợp này. Để tăng khả năng trúng tuyển, thí sinh có thể đăng ký nhiều tổ hợp để xét tuyển vào một ngành.
Tuy nhiên, thí sinhphải lưu ý mỗi một tổ hợp là một nguyện vọng; Nên đặt tổ hợp gồm các môn thi mà thí sinh có ưu thế ở thứ tự ưu tiên cao hơn.
Theo Quy chế tuyển sinh năm 2017, thí sinh có thể đăng ký không hạn chế số nguyện vọng. Ở mỗi nguyện vọng, thí sinh phải đăng ký mã trường, mã ngành, mã tổ hợp để xét tuyển.
Như vậy, thí sinh có thể đăng ký nhiều ngành/nhiều tổ hợp trong một trường; mỗi ngành/mỗi tổ hợp trong ngành là một nguyện vọng. Khi đăng ký xét tuyển, ngay từ đầu, thí sinh phải xếp thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng đó.
Tại thời điểm này, thí sinh chưa có kết quả thi, nên về cơ bản thí sinh phải chọn cả 3 trường/nhóm trường: nhóm trường cao hơn năng lực trung bình của thí sinh một chút; nhóm trường hoàn toàn phù hợp với năng lực của thí sinh và nhóm thấp hơn so với năng lực để phòng những rủi ro khi thi cử.
Ngoài ra, thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng cũng cần cân nhắc kỹ. Về cơ bản nguyện vọng thí sinh yêu thích hơn sẽ được đặt lên trên để đạt được các mục đích trên.
Đăng nhận xét